Khủng hoảng người tỵ nạn tiếp tục: Phát hiện tàu di dân ngoà
Một chiếc tàu nữa bị mắc cạn chở hàng trăm di dân được cho là nạn nhân của bọn đưa lậu người đã được phát hiện ngoài khơi Thái Lan.
Tổ chức Di trú Quốc tế IOM xác nhận với đài VOA hôm nay rằng chiếc tàu đã được tìm thấy, tuy chưa rõ là ở hải phận của Thái Lan hay Malaysia.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, trung tá Bunjerd Manvej của Thái Lan nói chiếc tàu này nằm cách đảo Langkawi của Malaysia 8 hải lý, khiến nó nằm trong hải phận của Malaysia. Các giới chức Malaysia phủ nhận điều này, và nhấn mạnh là tàu nằm trong hải phận của Thái Lan.
Ông Chris Lewa thuộc Dự án Arakan, đã theo dõi sát vụ khủng hoảng người tỵ nạn, nói với đài VOA rằng ước chừng 350 người tỵ nạn “dứt khoát” ở trong hải phận Thái, ngay phía đông nam của đảo Koh Lipe.
Ông nói: “Chỉ khi nào được đưa vào bờ họ mới thực sự an toàn.” Ông nói thêm rằng chiếc tàu này là 1 trong 2 chiếc đã nhận được sự trợ giúp khẩn, rồi bị đẩy ra biển, của Hải quân Malaysia hồi đầu tuần này.
Các chính phủ Đông Nam Á đã từ chối không nhận những người tỵ nạn và di trú vô vọng này, nhiều người đã bị bỏ rơi sau một vụ trấn át của Thái Lan nhắm vào một đường dây đưa lậu người đã làm gián đoạn các mạng lưới chuyên chở tội phạm.
Khoảng 2 ngàn người gọi là thuyền nhận đã được hoặc giải cứu hoặc bị bắt giữ và đuổi đi trong tuần vừa qua. Những người hoạt động ước tinh có tới 8 ngàn người vẫn còn lênh đênh trên hàng chục chiếc tầu chở quá tải.
Malaysia, Indonesia, và Thái Lan – 3 nước mà người tị nạn và di dân nhắm đến – nói rằng họ không có trách nhiệm đối với các di dân tuyệt vọng này, và bác bỏ kêu gọi của Liên hiệp quốc và các nhóm nhân quyền.
Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Wan Junaidion hôm thứ Năm nói rằng nước ông phải "gởi đi một thông điệp rõ ràng rằng họ không được ở đây đón nhận." Các giới chức khác của Malaysia cho hay tàu và máy bay tuần dương đang tăng cường hoạt động để ngăn chặn "người xâm nhập bất hợp pháp."
Hồi đầu tuần này, hơn 1.000 thuyền nhân đã bỏ thuyền của họ và bơi vào bờ biển Malaysia. Giới hữu trách cho hay các thuyền nhân đó đang bị giữ trong một trại tập trung trong lúc để chờ những dàn xếp đưa họ đi một nơi nào khác.
Gần 600 thuyền nhân được hải quân Indonesia cứu hôm Chủ nhật. Giới hữu trách cho hay các thuyền nhân đó được cung cấp thực phẩm, nước uống và nơi tạm trú ở khu vực phía bắc tỉnh Aceh trong lúc chính phủ đang tham khảo với Liên hiệp quốc và các cơ quan quốc tế khác.
Trong tuần này, cơ quan tỵ nạn LHQ đã kêu gọi mở cuộc tìm kiếm và giải cứu để giúp các thuyền nhân. Nhiều người sống sót cho biết những người bị kẹt ngoài khơi đang đói và đau ốm, một số đã chết.
Hoa Kỳ cũng “lo ngại về những tin tức liên quan đến hàng ngàn dân di trú trên đất liền và ngoài biển có thể cần đến sự trợ giúp và bảo vệ nhân đạo cấp thiết, “ theo lời ông W Patrick Murphy ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thái Lan.
Phát biểu qua Twitter, ông Murphy nói Hoa Kỳ “cảm kích” trước việc các chinh phủ khu vực đã tạo điều kiện tốt cho người Rohingya, nhưng nhấn mạnh rằng “hiện tượng di trú bất thường” này là một thách thức cho khu vực, “cần phải được giải quyết trong vùng.”
Ông Matthew Smith, giam đốc điều hành tổ chức Fortify Rights, nói với đài VOA rằng ông lo ngại cho số phận của những người trên những chiếc tàu, nếu không sớm đến được với họ.
“Toàn bộ tinh hình rất bi đát từ đầu đến cuối. Và điểm quan trọng theo tôi là sự việc đã diễn tiến từ lâu nay. Chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên những chiếc thuyền bị đẩy trở ra biển. Sự kiện như thế này đã xảy ra nhiều năm. Và việc ngược đãi người Rohingya đã tiếp diễn từ nhiều thập niên.”
Nhiều người trong số người tỵ nạn là người Rohingya hồi giáo từ Myanmar, nơi họ là nạn nhân bị ngược đãi mà tổ chức Human Rights Watch nói là đi tới mức độ thanh tẩy sắc tộc và tội ác đối với nhân loại. Người Rohingya ở Myanmar không được hưởng các quyền cơ bản như quyền công dân và tự do đi lại.
Những người khác trên các tàu thuyền được cho là người Rohingya và những dân di trú khác tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khó ở Bangladesh.
Những thuyền nhân này là nạn nhân của một chiến dịch chuyển lậu người đại quy mô trong đó dân di trú được hứa hẹn công ăn việc làm ở các nước láng giềng nhưng sau đó bị giam giữ để đòi tiền chuộc hay bị bán làm nô lệ.
Sau nhiều năm bị các tổ chức nhân quyền làm áp lực, Thái Lan đã có biện pháp trấn át đường dây đưa lậu người thu về nhiều triệu đôla. Trong tiến trình này, chinh phủ Thái đã phát hiện nhiều trại bị bỏ hoang trong rừng rậm, chứa những ngôi mồ tập thể với hàng chục xác người. Các giới chức đã bắt giữ hơn 1 chục người bị tố cáo là đưa người lậu, trong đó có một số giới chức địa phương.