Ukraine: Phe ly khai bắn rocket vào doanh trại quân đội
Các vụ tấn công bằng rocket ở thành phố Kramatorsk miền đông Ukraine hôm nay đã trúng vào bản doanh nơi quân đội hoạch định các cuộc hành quân chống các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn, và các khu cư dân trước một hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhằm chấm dứt vụ xung đột.
Tổng thống Petro Poroshenko nói với quốc hội Ukraine rằng phe nổi dậy đã phát động hai loạt tấn công bằng hoả tiễn nhắm mục tiêu vào Kramatorsk. Ông cho biết loạt đầu đã trúng vào bảm doanh cuộc hành quân chống khủng bố ở miền đông Ukraine, trong khi loạt thứ nhì trúng vào các khu cư dân ở thành phố.
Cố vấn Tổng thống Ukraine Yuri Biryukov viết trên trang Facebook rằng 2 quân nhân đã thiệt mạng và 9 người bị thương tại bản doanh quân đội.
Chính quyền khu vực Donetsk báo cáo có 7 thường dân thiệt mạng và 16 người bị thương, trong đó có 2 trẻ em, trong vụ tấn công bằng hoả tiễn trúng vào các khu cư dân. Chính quyền cũng cho hay 10 quân nhân Ukraine bị thương khi một quả rocket rớt trúng một sân bay.
Trước đó trong ngày thứ hai, lực lượng thân chính phủ báo cáo đạt được một số thắng lợi. Tiểu đoàn Azov, một nhóm bán quân sự tự nguyện thân Kyiv, nói trên Facebook rằng họ đã chiếm được nhiều ngôi làng trong một cuộc tấn công tiến về Novoazovsk, một thị trấn ở biên giới giáp với Nga.
Sáng thứ ba, trước cuộc tấn công vào Kramartorsk, quân đội Ukraine báo cáo có ít nhất 7 quân nhân đã thiệt mạng trong 24 giờ giao tranh trước đó.
Tình trạng bạo động tăng vọt diễn ra vào lúc các đại diện của Nga, Ukraine, Đức và Pháp họp tại thủ đô Belarus vào ngày thứ tư để tìm cách đưa ra một thoả thuận hoà bình nhằm chấm dứt vụ xung đột đã kéo dài 10 tháng gây thiệt hại cho ít nhất 5.400 sinh mạng.
Trong khi đó, ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng Bảo an, một cơ quan tư vấn của điện Kremli gồm các giới chức quốc phòng và an ninh cấp cao, được trích thuật trên một nhật báo chính phủ hôm nay nói rằng Hoa Kỳ đang mượn tình hình ở Ukraine làm cái cớ để “kiềm chế” Nga.
Ông Patrushev nói: “Phía Mỹ đang tìm cách kéo Liên bang Nga vào một cuộc xung đột quân sự quốc tế, và mượn các diễn biến ở Ukraine để đạt được một sự thay đổi trong chính quyền và chung cuộc chia cắt đất nước chúng ta.”
Ông Patrushev cũng tuyên bố điều ông gọi là “sự hồi sinh chủ nghĩa phát xít” ở các quốc gia Baltic và Ukraine đang diễn ra “với sự thông đồng đầy đủ của châu Âu và thậm chí cả sự kích động của Hoa Kỳ.”
Hôm thứ hai, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố ông sẽ chờ kết quả cuộc đàm phán trước khi quyết định liệu có cung cấp cho Kyiv vũ khí phòng thủ sát thương trong cuộc chiến đấu chống lại các phần tử đòi ly khai thân Nga hay không.
Ông Obama lên tiếng ở Washington bên cạnh sự hiện diện của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông nói ngoại giao và chế tài vẫn là các phương pháp mà ông muốn sử dụng để chấm dứt sự hỗ trợ của Nga cho cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine.
Nhưng ông đã từng cho biết ông đã chỉ thị cho các cố vấn chính cứu xét sự khả tín của việc cung cấp cho Kyiv các vũ khí, trong trường hợp đường lối ngoại giao không đem lại hoà bình. Các nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng loại vũ khí đó là cần thiết để bù đắp cho các chiến thắng quân sự của phe nổi loạn và chấm dứt vụ nổi dậy ở gần biên giới Nga.
Về phần mình, Thủ tướng Đức tuyên bố ông bà nhìn thấy giải pháp quân sự nào cho vụ xung đột, và nhắc lại sự khẳng định của bà đối với một giải pháp ngoại giao cho vụ khủng hoảng.
Cả hai nhà lãnh đạo tìm cách dập tắt tin đồn về những bất đồng giữa các sách lược của Hoa Kỳ và Âu châu để tranh thủ sự hợp tác đầy đủ của Moscow trong việc chấm dứt xung đột. Và cả hai đều bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán ở Minsk sẽ đem lại kết quả thuận lợi.
Chi tiết các cuộc đàm phán chưa được tiết lộ, và đến thứ hai thì chưa rõ liệu các đại biểu của phe đòi ly khai có tham gia thương nghị với các đặc sứ của Nga, Ukraine, và Âu châu hay không.
Tuần trước, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đưa một đề nghị hoà bình đến Moscow, nơi họ đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tiếp theo cuộc họp đó là một cú điện đàm giữa 4 bên trong đó có Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm chủ nhật. Bộ tứ này đã đồng ý mở các cuộc đàm phán trực diện ở Minsk.
Lên tiếng hôm chủ nhật, Tổng thống Pháp Hollande nói các cuộc đàm phán sắp tới đề ra “một trong các cơ hội cuối cùng” để đạt được hoà bình sau gần 1 năm giao tranh ở miền đông Ukraine.
Kế hoạch Pháp Đức dựa vào cuộc ngưng bắn thất bại hồi tháng 9, nhưng với nhiều chi tiết hơn về thời điểm, theo một giới chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trong một diễn biến có liên hệ, Liên hiệp Âu châu hôm thứ hai quyết định trì hoãn việc áp đặt các biện pháp chế tài thêm với các phần tử đòi ly khai Ukraine để chờ kết quả cuộc họp thượng đỉnh 4 quốc gia vào thứ tư.