Page 1 of 1

AIDS tiếp tục là đe dọa y tế chính của thế giới

PostPosted: Tue Feb 03, 2015 11:56 am
by NewsReporter
VOA - Economy

Hơn 36 triệu người đã thiệt mạng từ khi dịch bệnh bắt đầu cách nay hơn 20 năm, và có hơn 75 triệu người bị nhiễm vi rút HIV.

Ông Donald Henderson, chuyên gia y học Mỹ từng lãnh đạo toán nhân viên diệt trừ bệnh đậu mùa trong thập niên 1970, nói rằng cộng đồng toàn cầu giờ đây có khả năng ứng phó tốt hơn đối với những vụ bộc phát dịch bệnh bất chấp những thách thức phát sinh từ những loại vi rút gây bệnh AIDS, cúm gia cầm và Ebola. Từ Bangkok, nơi ông Henderson được tuyên dương về những cống hiến cho y tế công cộng, thông tín viên VOA Ron Corben tường thuật.


Ông Donald Henderson, Khoa trưởng danh dự của Phân khoa Y tế Công cộng Bloomberg của Đại học Johns Hopkins, là người không xa lạ gì với cuộc chiến đấu chống lại những loại vi rút đe dọa tới mạng sống con người. Ông chính là người dẫn đầu một toán chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới phụ trách việc diệt trừ bệnh đậu mùa trong thập niên 1970.


Sự thành công của chiến dịch, với tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng 5 năm 1980 là đậu mùa đã bị tiêu diệt, đã đạt được sau khi có đến 500 triệu người bị thiệt mạng vì bệnh này trong thế kỷ 20.


Gần 25 năm sau đó, sự gia tăng của dân số thế giới cộng với sự bùng phát của số người du hành đã làm tăng những mối rủi ro cho các cộng đồng vì các loại vi rút có thể lan truyền một cách dễ dàng từ nước này sang nước khác.


Nhưng ông Henderson cho rằng những vụ bộc phát dịch bệnh đã có một ảnh hưởng tích cực là làm cho các hệ thống y tế toàn cầu phải đề cao cảnh giác.


Ông Henderson nói: "Có một điều đáng phấn khởi, và lẽ ra tôi không nên nói như vậy, nhưng chúng ta có đủ các loại vi sinh vật, có đủ sự chuyển dịch, có đủ những vụ bộc phát mà giờ đây đã có thể dễ dàng hơn nhiều để biến đổi một cách nhanh chóng để trở thành một vấn đề lớn. Điều mà chúng có hiện nay, một điều khác xa thời trước, là một thái độ sẵn sàng để chia sẻ thông tin, một sự sẵn lòng để nói là chúng ta đang đối mặt với một vấn đề."


Nhưng những sự thách thức vẫn còn đó. Ông Henderson cho rằng bệnh AIDS, một chứng bệnh chưa có thuốc chủng ngừa, tiếp tục là mối đe dọa chính về sức khỏe của thế giới.


Các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy hơn 36 triệu người đã thiệt mạng từ khi dịch bệnh bắt đầu cách nay hơn 20 năm, và có hơn 75 triệu người bị nhiễm vi rút HIV gây bệnh AIDS.


Ông Henderson nhấn mạnh tới nhu cầu tìm ra một loại thuốc chủng.



Bác sĩ Donald Henderson từng lãnh đạo toán nhân viên diệt trừ bệnh đậu mùa trong thập niên 1970.Bác sĩ Donald Henderson từng lãnh đạo toán nhân viên diệt trừ bệnh đậu mùa trong thập niên 1970.


x

Bác sĩ Donald Henderson từng lãnh đạo toán nhân viên diệt trừ bệnh đậu mùa trong thập niên 1970.

Bác sĩ Donald Henderson từng lãnh đạo toán nhân viên diệt trừ bệnh đậu mùa trong thập niên 1970.


Ông Henderson cho biết: "Sự trị liệu không hoàn toàn cho tất cả mọi người. Họ phải dùng thuốc suốt đời. Cho nên đây là một mối đe dọa rất lớn mà chúng ta đang có trước mắt vào lúc này. Số người cần thuốc đang tăng dần. Chúng ta nhận ra là rất khó để cho những người này dùng thuốc mãi mãi. Đó là một vấn đề. Và phí tổn của việc này đang gia tăng rất nhanh."


Năm 2010 có gần 10 triệu người nhiễm HIV có thể có được những loại thuốc kháng vi rút. Tuy tỉ lệ lây nhiễm đã giảm đi, nhưng vẫn còn 2 triệu ca bệnh mới mỗi năm, trong đó có khoảng 300.000 trẻ em.


Ông Henderson đang có mặt tại Thái Lan để nhận Giải Thái tử Mahidol về nghiên cứu y học. Ông nói rằng ngay cả chiến dịch diệt trừ đậu mùa cũng phải vượt qua sự chống đối của công chúng đối với những chương trình tiêm chủng.


Tuy cuộc chiến đấu chống lại các loại bệnh tật đã đạt được thành quả trong nhiều thập niên qua, các chương trình tiêm chủng vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại tại một số khu vực. Tại Pakistan và Afghanistan, cuộc chiến chống bệnh sốt bại liệt đã gặp trở ngại vì sự chống đối của những phần tử Hồi giáo cực đoan, những người tố cáo các toán nhân viên tiêm chủng là làm gián điệp. Tại Hoa Kỳ, một số người vẫn tiếp tục hoài nghi về sự hữu ích của việc tiêm chủng và e rằng việc tiêm chủng có thể gây ra bệnh tật. Việc một số cha mẹ không cho con cái chủng ngừa đã dẫn tới những vụ bộc phát bệnh sởi, một chứng bệnh rất dễ lây lan, nhưng có thời được cho là đã bị tiêu diệt ở nước Mỹ.


Ông Henderson cho rằng những trận dịch hồi gần đây đã góp phần cải thiện thông tin liên lạc và khuyến khích các nước tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế; và hai việc đó là những dấu hiệu tốt đẹp cho tương lai trong việc chống lại những vụ bộc phát của các bệnh truyền nhiễm.