Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga
Có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ của Mỹ với Nga. Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ cáo buộc 3 công dân Nga tại Mỹ dính líu đến một đường dây gián điệp Nga, một cáo buộc mà Nga đã phủ nhận. Cáo buộc được đưa ra sau khi Hoa Kỳ gia tăng chỉ trích Nga về điều các cường quốc Tây phương nói Moscow tiếp tục hậu thuẫn cho các phần tử đòi ly khai tại Ukraine. Các nhà phân tích nói quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu trở nên gay gắt ngay cả trước hai vụ việc này. Thông tín viên Pam Dockins của đài VOA tường thuật từ Bộ Ngoại giao ở Washington.
Một bức hình vẽ quang cảnh bên trong tòa án cho thấy ông Evgeny Buryakov, một trong 3 người bị cáo buộc nằm trong một đường dây gián điệp Nga.
Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đổ lỗi cho Mỹ.
Ông Lukashevich nói: “Mối quan hệ Nga-Mỹ từ lâu đã ở trong giai đoạn khó khăn. Dường như Hoa Kỳ đang hành động theo nguyên tắc “tệ chừng nào tốt chừng đó” và đã quyết định bắt đầu một vòng khác của chiến dịch chống Nga.”
Hoa Kỳ và Nga đổ lỗi lẫn nhau về vụ gián điệp chỉ vài ngày sau một cuộc tấn công vào thành phố Mariupol của Ukraine làm mấy mươi thường dân thiệt mạng.
Cuộc tấn công gây nên một làn sóng chỉ trích mới của Tây phương nhắm vào Nga, là nước mà Hoa Kỳ và các đồng minh nói đang vũ trang và hậu thuẫn cho các phần tử đòi ly khai tại Ukraine.
Bà Victoria Nuland, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, trong bài phát biểu tại Viện Brookings, nói sự can thiệp của Nga vào Ukraine có thể gây khó khăn cho Hoa Kỳ trong việc hợp tác với Nga về những vấn đề khác.
Bà Nuland cho biết: “Sự hợp tác như thế không thể tiếp tục khi Nga chà đạp những qui tắc của hệ thống quốc tế mà Nga đang tìm cách hưởng lợi. Khi Nga cướp lấy những phần đất của các nước láng giềng và tìm cách hiếp đáp để làm cho các nước này phải phục tùng Nga về phương diện kinh tế và chính trị.”
Ông Stephen Blank, một nhà phân tích tình hình liên bang Nga của Viện Nghiên cứu Chiến lược nói các vấn đề trong mối quan hệ Mỹ Nga bắt đầu từ lâu trước khi xảy ra những vụ việc hiện nay.
Ông Blank nói rằng: “Tôi đã nói từ nhiều năm nay là Hoa Kỳ cần nghĩ lại về chính sách đối với Nga, ngay cả trước những sự việc tại Ukraine và ngay cả trước vụ gián điệp mới đây.”
Ông nói với Ban tiếng Nga Đài VOA là Moscow đã thi hành chính sách xâm lăng đối với các nước láng giềng từ năm 2008.
Ông Blank cho biết: “Ý kiến cho rằng chúng ta có thể giao dịch như thường lệ với Nga dưới thời Tổng thống Putin, ngay cả trong trường hợp ông ấy rút khỏi Ukraine, tôi nghĩ đó chỉ là một ảo tưởng. Đây là một chính phủ muốn phá hoại toàn thể cơ cấu an ninh tại châu Âu để ông Putin có thể tiếp tục nắm giữ quyền hành”.
Người đứng đầu Ban Nghiên cứu về nước Nga của Viện Doanh Nghiệp Mỹ, ông Leon Aron, nói Hoa Kỳ đã xét lại mối quan hệ với Nga. Tuy nhiên, ông cho rằng việc áp dụng thêm những biện pháp chế tài có thể không mang lại những kết quả mong muốn tại Ukraine.
Ông Aron nói: “Lúc này ông Putin không còn quan tâm tới vấn đề chế tài nữa. Trên thực tế nếu quí vị đọc những bài phân tích về nước Nga, đọc báo Nga, thì quí vị sẽ thấy là họ chấp nhận tất cả những khốn khổ do chế tài gây ra, do việc bị cô lập về ngoại giao và áp lực, và hiện nay họ có thể vẫn tiếp tục con đường này. Đi đến sự đổ vỡ.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói dù có những căng thẳng về Ukraine, nhưng vẫn có những lãnh vực hai nước có thể hợp tác.
Bà Psaki nhận định rằng: “Rõ ràng có những vấn đề chúng tôi cảm thấy có thể tiếp tục cùng nhau làm việc, như các cuộc thương thuyết với Iran. Những cuộc thương thuyết này đang tiến hành.”
Bà Psaki nói đối với cuộc khủng hoảng Ukraine và những vấn đề khác, Hoa Kỳ đã rất thẳng thắn trong sự giao tiếp với Nga, nhưng hy vọng là những lãnh vực hợp tác này có thể tiếp tục.