Boston được Olympic Mỹ chọn làm ứng viên tranh đăng cai thế
Boston, chủ nhà của giải marathon hàng năm giàu truyền thống nhất thế giới và là thành phố giàu thành tích vô địch trong các môn bóng rổ, bóng bầu dục và khúc côn cầu, sẽ tiến xa hơn vào làng thể thao quốc tế bằng kế hoạch tranh đăng cai Thế vận hội mùa hè 2024.
Hôm thứ Năm, Ủy ban Olympic Mỹ đã chọn Boston đại diện cho Hoa Kỳ đi tranh đăng cai Olympic 2024. Boston đã thắng ba đối thủ khác là San Francisco, Washington D.C., và Los Angeles trong cuộc tuyển chọn. Los Angeles bị loại là một bất ngờ, xét về kinh nghiệm Olympic của thành phố này: Los Angeles đã từng hai lần đăng cai Olympic, và có sẵn hầu như mọi cơ sở hạ tầng và nhiều địa điểm thi đấu Olympic. Nhưng không có nghĩa là Boston không có những địa điểm Olympic hấp dẫn. Cơ sở bóng chuyền bãi biển ở Boston Common và môn khúc côn cầu ở Sân vận động Harvard rất được yêu chuộng. Nhiều người bắt đầu hy vọng thành phố có thể sử dụng công viên Fenway Park cho đại hội, chẳng hạn như cho môn thi ngựa – sẽ được người hâm mộ Mỹ ủng hộ.
Cho đến tháng 9 năm 2017, Ủy ban Olympic Quốc tế, tức IOC, mới chọn thành phố nào đăng cai Olympic 2024. Lần cuối cùng Mỹ làm chủ nhà thế vận hội mùa hè là năm 1996 ở Atlanta, nhưng các giới chức Olympic Mỹ đặt nhiều tin tưởng vào “đối tác Boston sẽ tích cực phối hợp để đưa ra một kế hoạch tranh đăng cai thuyết phục,” như nhận định của ông Larry Probst, Chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ.
Dự định tranh đăng cai Olympic của Boston được sự ủng hộ rất lớn của các doanh nghiệp, và nhiệt huyết thể thao ở đây cũng rất lớn, với bằng chứng là sự hồi phục và bất khuất của khu vực này sau vụ đánh bom ở giải Marathon Boston năm 2013. Nhưng quan điểm của công chúng không đồng nhất với kế hoạch này, và bên phản đối đã mạnh mẽ lên tiếng.
Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể dự đoán liệu Boston có thuyết phục được các đại biểu của Ủy ban Olympic Quốc tế trao quyền đăng cai cho thành phố này hay không.
Những đối thủ “đáng gườm” sẽ ra tranh đại hội này cho đến nay có thể kể đến gồm có Rome của Ý, từng là chủ nhà Thế vận hội mùa hè năm 1960, và có lẽ sẽ còn có Paris và Berlin. Nam Phi cũng bày tỏ ý định mang đại hội thể thao này về Phi châu lần đầu tiên. Doha của Qatar cũng đang nhắm đến Olympic mùa hè này như họ đã xuất sắc giành được quyền đăng World Cup 2022 để đưa cúp bóng đá thế giới về tranh trên sa mạc nóng như lửa vào mùa hè của nước vùng Vịnh này.
Boston trở thành ứng cử viên mạnh của Mỹ nhờ vào kế hoạch tổ chức tiện gọn được đề xuất, với dự định các sân vận động và địa điểm tranh tài nằm cách hệ thống giao thông công cộng không hơn 10 phút đi bộ; khả năng được tư nhân tài trợ cho kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng để đăng cai thế vận hội; đại hội sẽ được tổ chức tại một trong những trung tâm nổi tiếng của Hoa Kỳ về giáo dục, y tế và nghiên cứu; và kế hoạch kết hợp các khu vực và cơ sở của các trường đại học trong khu vực phục vụ cho Olympic.
Đề xuất chi phí cho đại hội tương đối khiêm tốn với 4,5 tỉ đôla, theo đó dự kiến sẽ sử dụng các cơ sở hạ tầng hiện có hoặc chỉ xây dựng theo thiết kế dùng trong một khoản thời gian ngắn, cũng đưa kế hoạch của Boston vào đúng nỗ lực của IOC nhằm ngăn chặn chi phí tổ chức Olympic vượt ngoài tầm kiểm soát. Chi phí đăng cai Olympic Bắc Kinh 2008 lên đến 40 tỉ đôla, và sau đó phí đăng cai Olympic mùa đông Sochi đặt ra một kỷ lục mới là 51 tỉ đôla, khiến cho các thành phố có tiềm năng tranh đăng cai đại hội thể thao thế giới này lần lượt từ bỏ ý định.
Boston còn hấp dẫn Ủy ban Olympic Mỹ nhờ vào lợi thế múi giờ miền đông Hoa Kỳ, tức cùng giờ hoặc gần nhất với giờ truyền hình thuận tiện của các trung tâm dân số lớn ở miền Đông Bắc, cùng với hệ thống khách sạn với hơn 51.000 phòng sẵn có, hệ thống ký túc xá của các trường đại học và các nhà khách.
Các nhà tổ chức hy vọng Olympic 2024 cũng đáp ứng được nhiều nhu cầu về nhà cửa, và chỉnh trang, mở rộng hệ thống giao thông công cộng, đường sá và cầu cống. Một số dự kiến nâng cấp trong khu vực đã được lập kế hoạch, cho dù có hay không có Olympic.
Trả lời cho những ý kiến lo ngại về ùn tắt giao thông trong thời gian Olympic, khi một một làn đường giao thông sẽ được dành riêng hoạt động Olympic, các nhà tổ chức đã chỉ ra rằng cuộc đua marathon hàng năm của Boston thu hút trên 500.000 khán giả từ mọi nơi trên thế giới, và thành phố này cũng đã thường xuyên tổ chức những sự kiện thể thao thế giới.
Boston được chọn làm thành phố đại diện nước Mỹ đi tranh Olympic “là một vinh dự to lớn,” thị trưởng Marty Walsh phát biểu trong một tuyên bố. "Việc được chọn lựa này cho thấy Boston được công nhận là một thành phố hàng đầu, đa dạng và có khả năng.”
Thời hạn cuối Boston phải nộp hồ sơ dự tranh đăng cai chính thức là tháng 9 năm nay. Một số chi tiết quan trọng vẫn đang trong vòng phân tích để tìm phương án thực hiện. Boston chưa có bốn cơ sở chính – một sân vận động Olympic, một làng Olympic cung cấp tiện nghi ăn ở cho khoảng 10,500 vận động viên, một trung tâm thể thao nước, và một trường đua xe đạp.
Một sân vận động Olympic sử dụng ngắn hạn với sức chức 60.000 chỗ ngồi được dự định xây dựng ở Nam Boston để tổ chức lễ khai mạc và bế mạc, và là nơi thi đấu các môn điền kinh. Sau Olympic, sân vận động này có thể được tháo dỡ đi hoàn toàn, hoặc được chuyển mục đích sử dụng. Các nhà tổ chức cũng dự định chuyển làng Olympic thành khu dân cư với giá phải chăng cho địa phương.
Theo kế hoạch ban đầu, môn bắn cung và kiếm thuật sẽ thi đấu tại cơ sở M.I.T, bóng chuyền bãi biễn diễn ra ở Boston Common, và đua thuyền ở Cảng Boston. Đường chạy Marathon truyền thống của Boston hình như sẽ phải chỉnh sửa đôi chút để phục vụ cho Olympic. Nếu môn bóng chày được đưa vào Olympic, thì chắc chắn sẽ được thi đấu tại sân vận động nổi tiếng của môn thể thao này là Fenway Park.
Tuy nhiên nhiệm vụ lớn lao của Boston là phải thuyết phục Ủy ban Olympic Quốc tế rằng thành phố nay thực sự muốn mang Olympic về. Một cuộc thăm do công luận hồi tháng 6 năm ngoái cho kết quả 47% ủng hộ đăng cai Olympic, và 43% chống ý định đó.
Các tổ chức không đồng ý với dự định này phản đối điều họ cho là thiếu minh bạch trong kế hoạch tranh đăng cai của Boston. Cùng với những lo ngại về chi phí tăng vọt, ách tắt giao thông, và các nguồn lực phải tập trung cho kế hoạch này thay vì đầu tư vào nhà ở, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, cùng với những phân tích chỉ ra rằng Olympic không mang lại những lợi ích lâu bền cho thành phố và quốc gia đăng cai.