Page 1 of 1

Những vết thương tâm lý chưa lành ở Aceh 10 năm sau sóng thầ

PostPosted: Tue Dec 16, 2014 1:33 pm
by NewsReporter
VOA - Economy

Bà Jamaliah hôn Raudhatul Jannah đứa con gái mất tích từ trận sóng thần năm 2004, vừa tìm lại được vào tháng 8 năm 2014

Trận động đất ngày 26 tháng 12 năm 2004 mạnh đến độ làm cho trục trái đất bị xê dịch vài centi mét. Một trận sóng thần kinh hoàng do cơn địa chấn gây ra đã ập vào tỉnh Aceh của Indonesia, tàn phá tất cả mọi thứ. Mới đây, thông tín viên Steve Herman của đài VOA đến thăm thủ phủ Banda Aceh và cho biết nhiều người sống sót vẫn còn khổ sở vì những vết thương tâm lý.


Tỉnh Aceh là phần đất nằm gần nhất với cơn địa chấn dưới đáy biển mạnh 9 độ richter xảy ra cách nay gần 10 năm. Indonesia là nước gánh chịu nhiều thiệt hại nhân mạng nhất trong trận sóng thần xảy ra sau đó, giết chết gần 250.000 người, trong đó có 1 phần 3 là trẻ em, ở 13 quốc gia và làm cho gần 5 triệu người bị mất nhà cửa.

Ông Salmi Hardiyanti, một cư dân tỉnh Aceh, đã mất 23 người thân trong thảm họa đó. Và cũng giống như trường hợp của hàng vạn nạn nhân khác, xác của những người đó không bao giờ được tìm thấy. Ông nói:

"Tôi tìm cách tới thăm tất cả những ngôi mộ tập thể ở Banda Aceh để cầu nguyện cho họ."


Gia đình ông Samsul Bahri sinh sống trong một căn nhà chỉ cách bãi biển 20 mét, và khi sóng thần xảy ra, vợ ông là một trong những nạn nhân đầu tiên của những đợt sóng cao hơn nóc nhà. Một tổ chức cứu trợ đã xây lại căn nhà cho ông trên nền đất cũ. Ông Samsul cho biết như sau:

"Tôi không có khả năng tài chánh để tới sống ở nơi khác. Cho nên tôi phải trở lại đây, mặc dù tôi rất sợ."


Cách căn nhà của ông Samsul khoảng 3 kilo mét trong đất liền là một chiếc tàu lớn, một trong những chứng tích cho thấy sức mạnh của cơn sóng thần đã tàn phá nhiều nơi trên đảo Sumatra. Chiếc tàu 2.700 tấn, dài 69 mét, rộng 19 mét này vốn được dùng để phát điện ở ngoài khơi. Giờ đây chiếc tàu nằm trên nóc của hai căn nhà, sau khi đợt sóng thần thứ nhì đã lôi nó tới một nơi cách chỗ đậu 5 kilo mét.

Sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 340 học sinh trong tổng số 400 học sinh của một ngôi trường trung học ở đây.


Em Suriya, một học sinh của trường này, cho biết em được 7 tuổi lúc thảm họa xảy ra và đã mất 12 người trong gia đình. Em đã phải nằm bệnh viện một tháng sau khi được nhân viên cứu trợ quốc tế tìm thấy với một chiếc chân bị gãy và những thương tích khác.


Em nói với phóng viên VOA về cái nhìn của em đối với cuộc sống:

"Bất kể chúng ta đi tới đâu, bất kể chúng ta ngồi ở đâu, cái chết rốt cuộc cũng sẽ tới. Nhờ ân sủng của đấng Allah mà chúng ta sống và chúng ta chết."


Các tổ chức cứu trợ trong nước và nước ngoài đã đổ vào Aceh vô số nhân viên và tiền bạc. Có lúc công tác cứu trợ vượt khỏi tầm kiểm soát và một số cơ quan cứu trợ phải tuyên bố ngưng nhận các khoản quyên góp.


Bà Mingming Remata-Evora, người đứng đầu công tác phục vụ trẻ em ở Indonesia của tổ chức phi chính phủ Plan International, thuật lại như sau:

"Khi đó, con số những căn nhà mới nhiều hơn số người cần có nhà. Số thuyền và lưới cũng nhiều hơn số ngư phủ."


Bà Mingming đề nghị kết hợp những chương trình giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động phát triển để ngăn không cho tình trạng như vậy lập lại một lần nữa.


Các nhà khoa học nói rằng Sumatra đã bị sóng thần tàn phá rất nhiều lần trong lịch sử, cho nên những người dân sinh sống ven biển trên đảo này lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó.