Sự trỗi dậy Trung Quốc trong tư thế một cường quốc kinh tế đã được dự đoán từ nhiều năm. Nhưng qua một số cách đo lường thì năm 2014 chính là năm Trung Quốc vượt mặt Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự kiện này diễn ra sớm hơn dự kiến của nhiều người.
Theo các số liệu được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố, tổng sản lượng hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc đã vượt quá Hoa Kỳ lần đầu tiên trong năm nay.
Tuy nhiên ngay tại Trung Quốc, nhiều người coi triển vọng trở thành nước dẫn đầu nền kinh tế thế giới lại là một gánh nặng.
Ông Vương Nghĩa Ngôi, một nhà khoa học chính trị tại Trường đại học Nhân dân Bắc Kinh nói: “Trung Quốc không sốt sắng muốn việc trở thành cường quốc kinh tế số một hoặc thậm chí số hai xảy ra nhanh đến thế.” Ông Vương đưa ra nhận xét này tại một cuộc họp mặt các nhà báo nước ngoài do Trung tâm Hoa Kỳ thuộc tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh tổ chức.
Ông Vương nói các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và những học giả như ông, nghĩ rằng cần phải mất một thời gian dài để Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế số hai, nhưng không phải như vậy. Cách đây 4 năm, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ hai trên thế giới.
Ông nói thêm và “đó là lý do khiến cho mối quan hệ của chúng ta với Nhật Bản thật tệ hại.”
Căng thẳng lãnh thổ
Không chỉ có những mối quan hệ của Bắc Kinh với Nhật Bản ngày càng xấu đi. Những tranh chấp lãnh thổ lâu nay của Trung Quốc đã leo thang trong năm 2014. Một dàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc được kéo đến ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã gây nên những vụ bạo động chết người và gây rạn nứt nghiêm trọng các mối liên hệ giữa hai quốc gia cộng sản này.
Quan hệ với Manila cũng tiếp tục căng thẳng vì Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trong vùng biển gần Philippines.
Có những quan ngại ngày càng tăng trong vùng là việc đòi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc mà nhiều quốc gia cho rằng đây là lập trường hung hăng, có thể dẫn đến xung đột giữa lúc thế lực toàn cầu của Trung Quốc đang gia tăng.
Ông Bruce Jacobs, giáo sư Trường đại học Monash tại Australia nói chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc đề ra nhiều hiểm hoạ vì được khích lệ trong một quốc gia chuyên chế thiếu tự do báo chí.
Ông nói “Không có thảo luận hay thảo luận riêng tư về những vấn đề này. Không có phản hồi về những chính sách sai lầm mà chính phủ đang thúc đẩy. Do đó về phương diện này đó việc này rất nguy hiểm.”
Nhưng ông Victor Gao, giám đốc của Hiệp hội quốc gia Trung Quốc về Nghiên cứu Quốc tế cho rằng “việc tranh chấp lãnh thổ là bình thường” và “không có gì phải báo động.”
Ông nói thêm: “Nếu nhìn chung quanh thế giới, liên hệ đến nhiều nước trên thế giới thì đều có tranh chấp lãnh thổ. Ngay cả hiện nay, trong số các quốc gia châu Âu, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha có tranh chấp lãnh thổ, và Nga và Na Uy chẳng hạn vừa mới đây đã ký một hiệp ước về hàng hải, ngay cả giữa Canada và Hoa Kỳ cũng có tranh chấp lãnh thổ liên hệ đến những quyền lợi tại Bắc cực.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc nhìn về quá khứ để đòi chủ quyền mà họ cho là của họ, và việc này có lẽ nhấn mạnh nhiều đến những quyền lợi tương lai của Trung Quốc.
Giáo sư Giả Khánh Quốc trường đại học Bắc Kinh nói: “Những quyền lợi của một siêu cường khác với quyền lợi của một nước lớn trung bình. Một siêu cường không quan tâm đến việc có thêm nhiều hay ít lãnh thổ, nhưng quan tâm nhiều hơn vào việc tiếp cận những lãnh thổ này.”
Siêu cường đang phát triển
Năm nay, trong khi hầu hết các nước tránh xa nước Nga, các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow nồng ấm trở lại. Cùng lúc đó, Trung Quốc vươn tới các nước trong vùng và xa hơn nữa.
Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực tiếp xúc với Trung Á. Vào tháng 11 năm nay Bắc Kinh loan báo thành lập Quỹ Con đường Tơ lụa trị giá 40 tỉ đô la. Trung Quốc cũng đang tìm cách lập một Con đường Tơ lụa trên Biển nhằm tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông và trên eo biển Malacca đến Ấn Độ, Trung Đông và Đông Phi.
Trung Quốc gởi thêm nhiều quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại châu Phi. Trung Quốc có gần 2.000 binh sĩ tại Nam Sudan, nơi các công ty Trung Quốc có những quyền lợi chính yếu về dầu mỏ. Trung Quốc cũng gia tăng sự đóng góp vào việc phòng chống virút Ebola.
Washington và Bắc Kinh đã đồng ý hợp tác để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu và lần đầu tiên năm nay Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân với Hoa Kỳ.
Giáo sư Victor Gao nói: “Tôi nghĩ đây là lúc Trung Quốc đưa ra những ý kiến mới, những mô hình mới, những phương cách mới để tiếp cận với những thách thức mới trong lãnh vực ngoại giao mà chúng ta đang nói đến. Tôi nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình đang làm đúng như vậy, ông đang thay đổi các lập trường của Trung Quốc trên thế giới và đối phó với nhiều thách thức chúng ta đang phải đối mặt về phương diện ngoại giao.”
Trong khi thích nghi với vị thế gia tăng trên thế giới, Trung Quốc ngày càng được xem như một siêu cường kế tiếp của thế giới. Nhưng sự kiện này có thể là một thách thức đang ám ảnh các nhà lãnh đạo nước này.
Giáo sư Giả Khánh Quốc dạy môn quan hệ quốc tế tại trường đại học Bắc Kinh giải thích: “Trung Quốc là một nước đã phát triển và đang phát triển. Đây là một nước giàu đồng thời là một nước nghèo. Đây là một nước yếu đồng thời là một nước mạnh. Một nước lớn trung bình và một siêu cường.”
Giáo sư Giả nói thêm “Vị thế kép đã có ảnh hưởng đến những quyền lợi của Trung Quốc vì những quyền lợi của một nước đã phát triển và quyền lợi của một nước đang phát triển không giống nhau, hay không hoàn toàn như nhau. Cũng như không giống nhau đối với một nước giàu và một nước nghèo.”
Lớn quá nên không thể thất bại được
Giữa lúc ông Tập tái khẳng định chính sách đối ngoại, càng ngày càng có những quan ngại về việc củng cố quyền hành của ông trong nước. Chủ tịch Trung Quốc đã nắm giữ thêm quyền hành nhanh chóng hơn bất cứ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ khi Đặng Tiểu Bình sau cuộc Cánh mạng Văn hoá gây nhiều chết chóc và thiệt hại.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiến hành một cuộc truy quét tham nhũng rộng lớn, trong khi cũng lãnh đạo các nỗ lực của chính phủ về an ninh quốc gia, không gian mạng và cải cách kinh tế.
Việc củng cố quyền hành của ông đã được Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đến trước đây trong tháng trong bài diễn văn tại Hội nghị Bàn tròn về Kinh doanh.
Tổng thống Barack Obama nói “mọi người có ấn tượng về những tác động mạnh mẽ của ông Tập bên trong Trung Quốc chỉ sau một năm rưỡi hoặc 2 năm trời. Ông vận dụng một chủ nghĩa dân tộc làm cho các nước láng giềng lo ngại và chúng ta đã thấy thể hiện trong các vụ tranh chấp ở Biển Đông cũng như tại nhóm đảo Senkaku.”
Tổng thống Hoa Kỳ cũng nói thêm là có những rủi ro trong sự lớn mạnh nhanh chóng như vậy, nhất là khi có liên quan đến những vấn đề nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Trung Quốc đã bắt giam với con số ngày càng tăng những nhà hoạt động, nhà báo và những nhà bình luận trên mạng trong năm qua. Nhiều người như học giả Uighur Ilham Tohti hay những nhà tranh đấu cho luật pháp Hứa Chi Ung và Phổ Chí Cường được xem như là những tiếng nói ôn hoà trong xã hội.