VN yêu cầu Campuchia trục xuất một nhóm người Thượng về nước
Một cảnh sát trưởng người Campuchia cho biết ông sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà chức trách Việt Nam, muốn cảnh sát Campuchia bắt giữ và trục xuất 16 người Thượng đã chạy sang tỉnh Ratanakkiri của Campuchia mới đây để lánh nạn.
Tin của tờ Cambodia Daily nói rằng 13 người Thượng từ vùng Tây Nguyên của Việt Nam, hiện đang lẩn trốn tại khu vực Lumphat của tỉnh Ratanakkiri ở phía Bắc, sau khi băng sang biên giới trong tháng qua.
Thiếu Tướng Cảnh sát Nguon Koeun hôm Chủ nhật nói mới đây, ông đã nhận được một danh sách do chính quyền Việt Nam gửi thông qua Bộ Nội vụ, ghi tên 16 người Thượng đã rời bỏ nhà cửa của họ ở Tây Nguyên chạy sang Campuchia, đây là danh sách những người mà Việt Nam muốn cảnh sát Campuchia bắt giữ và trục xuất về nước. Thiếu Tướng Koeun cho biết ông sẽ đáp ứng yêu cầu của phía Việt Nam. Ông bác bỏ thông tin do các nhân viên an ninh của làng nói rằng một số người Thượng đã bị bắt.
Người Thượng của Việt Nam, còn được gọi là người Degar, từ lâu đã bị đàn áp vì đã hỗ trợ các lực lượng Mỹ và Pháp trong các cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Đa số theo một hình thức Đạo Tin Lành đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật, dẫn tới một đợt đàn áp các giáo hội của người Thượng trong những năm từ 2001 tới 2011.
Trong thời gian đó, hàng ngàn người đã chạy sang Campuchia xin tỵ nạn, chỉ có một số ít chạy được sang Hoa Kỳ, nhưng đa số đã bị hồi hương bằng vũ lực. Rất nhiều người trở về đã bị bỏ tù và tra tấn.
Bản tin của tờ Cambodia Daily cho hay họ không liên lạc được với Bộ Nội vụ Việt Nam để xin bình luận về vụ này.
Bà Vivian Tan, nhân viên liên lạc báo chí của Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc hôm qua nói rằng cơ quan này sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền Campuchia để xác định liệu những người chạy đi lánh nạn có hội đủ điều kiện để được coi là người tỵ nạn hay không.
Trong khi chờ đợi, bà Tan nói Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cảnh giác chớ nên trục xuất về nước những người sẽ gặp nguy hiểm khi bị gửi trả về Việt Nam.
Tướng Sok Phal, đứng đầu văn phòng di trú của Bộ Nội vụ Campuchia nói chỉ có chính phủ Campuchia mới quyết định được liệu nhóm người này có phải là người tỵ nạn hay không, chứ không phải là Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.
Tờ Pnom Penh Post dẫn lời bà Bushra Rahman, người phát ngôn của ban đặc trách nhân quyền của Cao Uỷ Tỵ nạn, cho hay Liên Hiệp Quốc đang liên lạc với các giới thẩm quyền để tìm một giải pháp cho vấn đề này.