Một số chuyên gia về Syria đang tán đồng các cuộc hoà đàm do địa phương điều giải, và nói rằng các cuộc ngưng bắn ở quy mô nhỏ “đem lại niềm hy vọng cho thường dân và giảm thiểu sự đau khổ của con người nếu được hỗ trợ và thực thi một cách thích đáng.” Đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Syria đang có mặt ở Damascus tìm cách thuyết phục các bên lâm chiến về các lợi ích của những thoả thuận như thế. Nhưng theo tường trình của thông tín viên VOA Heather Murdock, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những cuộc ngưng bắn đi chệch hướng có thể gây nhiều đau khổ hơn là ngăn chặn chúng.
Chúng ta thường nghĩ về những cuộc ngưng bắn như những điều tốt. Ít người chết hơn khi không có nổ súng. Nhưng điều đó không luôn luôn đúng, theo ông Noah Bonsey, một chuyên gia kỳ cựu của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế.
Ông Bonsey: “Các cuộc ngưng bắn không có giá trị tích cực cố hữu. Chúng có thể góp phần tích cực hay tiêu cực vào cuộc xung đột tùy theo các điều khoản. Một cuộc ngưng bắn tốt có thể cứu được các mạng sống. Thậm chí nó còn có thể góp phần vào một tiến trình chính trị chung cuộc, với việc xuống thang xung đột.”
Nhưng theo ông, một cuộc ngưng bắn xấu…
“Nó có thể mở đường thêm cho bạo động, hay giúp thêm bạo động hoặc thúc đẩy thêm bạo động và rút cuộc gây thiệt hại nhiều hơn là cứu các sinh mạng.”
Trong cuộc chiến tranh Syria, ông Bonsey nói đa số các cuộc ngưng bắn đã đi lạc hướng, biến thành một cuộc đầu hàng vô điều kiện hay được sử dụng như một chiến thuật quân sự để hướng cuộc chiến qua một nơi nào mang tính chiến lược hơn. Theo ông, sẽ xảy ra vấn đề bởi vì các phe nhóm tại bàn thương nghị thường không có thế mạnh hay sợ hãi phía kia ngang nhau.
Nhưng bà Rim Turkmani, một nhà vật lý thiên văn và người sáng lập Madani, một tổ chức có trụ sở ở Anh Quốc quảng bá cho xã hội dân sự ở Syria, lập luận rằng những cuộc ngưng bắn ở quy mô nhỏ khắp Syria chung cuộc có thể biến thành các cuộc hoà đàm dân tộc nếu được điều giải và thực thi thích đáng.
Bà nói các thoả thuận hoà bình đòi hỏi một nhu cầu thực tế chung, như một nguồn thế lực hay một con đường chung. Chúng cũng đòi hỏi các nhà điều giải địa phương được tất cả các bên tin tưởng.
Và theo bà, để đạt được bất cứ thoả thuận hoà bình nào, những người đang chiến đấu phải tin là họ sẽ sống còn tốt hơn nhờ hoà bình hơn là nhờ chiến tranh.
Bà Turkmani nói: “Chúng ta phải cung cấp sự bảo vệ trước tiên là cho tất cả các nhà điều giải, và thứ nhì là chính những người đang chiến đấu. Cách đây 1 năm, các chiến binh ở Al-Waer rất vui mừng chấp nhận một thoả thuận nếu có bất cứ một cơ chế nào bảo vệ họ. Họ nói. “Được rồi, chúng ta có thể ra đi, nhưng chúng ta nên đi đâu? Ngay lúc chúng ta ra đi là chúng ta sẽ chết.”
Các chiến binh mà bà nói tới có lý do chính đáng để tin rằng một thoả thuận hoà bình có thể đặt họ vào thế nguy hiểm, theo ông Nadim Khoury của tổ chức Human Rights Watch:
“Ở Homs, đa số thanh niên không rút lui cùng với các chiến binh thực ra đã bị buộc phải quay trở lại và phục vụ trong quân đội Syria và họ bị bắt giữ nhiều lần. Chúng tôi thực sự tiếp xúc với nhiều gia đình nói rằng “Chúng tôi không hề hay biết những đứa con trai của chúng tôi ở đâu.”
Một khi đạt được một thoả thuận, những người ngoài cuộc cũng được cần đến để thoả thuận có hiệu lực, theo ông Omar Hallaj, một chuyên gia chính trị và cựu chủ tịch ban quản trị của Tổ hợp Phát triển Syria. Và đây là lúc cần đến cộng đồng quốc tế.
Ông cho biết: “Các cuộc ngưng bắn không tự thân có hiệu lực. Như bà Rim đã chỉ ra chúng cần có những ủy ban hoà bình để hỗ trợ. Chúng cần có những người theo dõi.”
Ông nói trong một số trường hợp, chúng còn cần phải có các binh sĩ gìn giữ hoà bình nữa.
Nhưng ông nói thêm rằng chỉ chấm dứt chiến tranh không thôi sẽ không giải quyết được vụ khủng hoảng ở Syria. Ông cho rằng hệ thống chăm sóc sức khoẻ đã sụp đổ và 300.000 người đã chết vì dịch bệnh mà một bệnh viện bình thường có thể chữa khỏi. Khoảng 40% trẻ em Syria không đi học.
Chính chiến tranh đã giết hại 200.000 người và làm hàng triệu người bị bứng gốc kể từ năm 2011, trong một trong các vụ khủng hoảng lớn nhất về sự thất tán kể từ Thế chiến thứ Nhất.