Thủ tướng Erdogan thống trị cuộc đua đến chức tổng thống Thổ
Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đang là ứng viên hàng đầu để trở thành tổng thống thứ 12 của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại trong cuộc bầu cử ngày 10 tháng 8 sắp tới. Ông đã tung ra một chiến dịch vận động năng nổ trên truyền hình và với những bảng quảng cáo khắp đất nước, như kiểu vận động bầu cử ở Mỹ.
Hàng trăm ngàn người tham dự những cuộc mít-tinh vận động bầu cử tổng thống rầm rộ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul hôm Chủ nhật. Truyền thông địa phương đưa tin gần 5.000 xe buýt - nhiều chiếc thuộc sở hữu của các bộ nhà nước và chính quyền địa phương dưới sự lãnh đạo của đảng AK của thủ tướng - đã được sử dụng để chở người ủng hộ tới các cuộc mít-tinh hôm Chủ nhật.
Nhà phân tích Sinan Ulgen của Viện Carnegie tại Brussels (Bỉ) cho biết chiến dịch vận động tranh cử của ông Erdogan rất khác so với hai đối thủ của ông:
“Nhìn vào chiến dịch của thủ tướng thì thấy nó được dàn dựng rất công phu. Chiến dịch này phụ thuộc vào cả bộ máy của đảng cầm quyền và các nguồn lực đáng kể dưới sự chỉ thị của thủ tướng.”
Trong khi các đối thủ Selahattin Demirtas và Ekmeleddin Ihsanoglu tài trợ các cuộc mít-tinh của họ chủ yếu bằng những khoản quyên góp, ông Erdogan biến những buổi xuất hiện trước công chúng của ông trên cương vị Thủ tướng thành những điểm dừng chân trong chiến dịch vận động, một số lần được nhà nước tài trợ.
Ông đi dọc ngang khắp đất nước bằng chuyên cơ của thủ tướng để phát biểu trước những người ủng hộ, khởi động chiến dịch của mình trước ngày bắt đầu là 31 tháng 7 do ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ ấn định.
Văn phòng của ông Erdogan nói rằng không có hoạt động vận động tranh cử nào của ông phạm luật.
Các nhà quan sát nói rằng những chiến thuật tranh cử của ông Erdogan cũng tương phản với các đối thủ, vì ông đưa chính sách đối ngoại lên thành chủ đề lớn.
Trong cuộc mít-tinh ở Istanbul, ông một lần nữa lên án cuộc tấn công của Israel nhắm vào Dải Gaza.
Ông nói rằng người Palestine và Dải Gaza là không sai trái trong cuộc kháng chiến của họ và rằng Israel sẽ bị nhấn chìm trong biển máu mà nước này gây ra.
Ông Erdogan cũng so sánh tội ác diệt chủng Do Thái của Hitler với những chính sách của Israel, trong khi ông khẳng định mình không bài Do Thái.
Tuy các nước đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ sự so sánh Israel với Hitler, các nhà quan sát cho rằng ông Erdogan thừa biết những lời lẽ như vậy nghe bùi tai đối với khối cử tri người Hồi giáo Sunni bảo thủ của mình.
Ông cũng chơi lá bài tinh thần dân tộc ngày càng nhiều. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy những chiến thuật như vậy có thể có hiệu quả, đưa ông Erdogan vượt xa các đối thủ, và giành trên 50 phần trăm số phiếu cần thiết để giành chiến thắng tuyệt đối trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 10 tháng 8.
Thủ tướng Erdogan cũng tách mình ra khỏi các đối thủ bằng cách tuyên bố nếu ông đắc cử, ông sẽ là một tổng thống quyết đoán hơn nhiều. Cho đến nay chức vụ tổng thống hoàn toàn mang tính phi đảng phái và chủ yếu có tính tượng trưng trong khi phần lớn quyền hành nằm trong tay quốc hội.
Nhà phân tích Ulgen nói vì đây là lần đầu tiên tổng thống sẽ được người dân trực tiếp bầu ra, ông Erdogan có thể có thẩm quyền tạo sức nặng cho chức tổng thống.
“Ông ta có thể xem cái ghế tổng thống này là sự nối dài chức vụ hành pháp mà ông ta từng nắm giữ khi làm thủ tướng, và về cơ bản hoạt động như thủ tướng trên thực tế và do đó tiếp tục những chiến thuật gây phân cực của mình.”
Thủ tướng Erdogan đã cảnh báo trong một số cuộc phỏng vấn và bài diễn văn rằng nếu đắc cử ông sẽ là một tổng thống có tính đảng phái, và nói rằng mình không thể vô tư. Các nhà phân tích cảnh báo điều này có thể dẫn tới sự phân cực và chia rẽ về chính trị và xã hội lớn hơn, vốn đã trở thành đặc trưng trong 10 năm ông Erdogan làm thủ tướng.
Nhưng trong những năm ông cai trị, Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức tăng trưởng và sự thịnh vượng chưa từng có, biến nước này thành một cường quốc khu vực với nền kinh tế nổi lên năng động. Theo lời các nhà phân tích, đó là di sản mà ông Erdogan đang dựa vào để đưa ông đến chức tổng thống.