Các tổ chức từ thiện Mỹ giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhập
Biên giới miền nam Hoa Kỳ tràn ngập người nhập cư Trung Mỹ đang cố vào Hoa Kỳ. Khoảng 57.000 người là trẻ em không có người lớn đi cùng. Làn sóng này đã khiến các cơ sở giam giữ ở biên giới chật kín. Khi các cơ quan chính phủ đang vật lộn với việc xử lý hàng trăm người mới đến mỗi ngày, các tổ chức tôn giáo, từ thiện và thiện nguyện viên đang giúp đỡ để xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Các cơ sở từ thiện Công giáo của Rio Grande Valley điều hành một trong những dịch vụ lớn nhất tiếp đón người Trung Mỹ vượt biên vào Hoa Kỳ. Cơ sở này ở McAllen, tiểu bang Texas, một thành phố chỉ cách biên giới Mexico 15 phút. Giám đốc các cơ sở từ thiện Công giáo địa phương cho biết các thiện nguyện viên giúp xử lý khoảng 200 người mỗi ngày sau cái được gọi là một hành trình kiệt sức.
“Thật buồn khi thấy họ trong những điều kiện như thế. Họ cần phải được tắm rửa, họ cần lương thực. Họ cần quần áo và do đó các thiện nguyện viên bắt đầu đáp ứng. Các gia đình địa phương ở đây đến trạm xe buýt và thực sự giúp đỡ cho những người này với một số đồ dự trữ.”
Tổ chức từ thiện làm việc với chính phủ để bảo đảm việc đối xử phù hợp với những người nhập cư.
Bác sĩ Marcela Riojas cho biết 90% trong số những người nhập cư bị mệt mỏi và mất nước. Nếu họ được xác định là bị bệnh nặng hoặc bị thương, họ sẽ được đưa đến phòng cấp cứu. Nhiều phụ nữ đã đến trong giai đoạn cuối thai kỳ, sau khi đi hơn một tháng mà không có một số những nhu cầu cơ bản nhất.
“Bản thân hành trình là một chuyến đầy rủi ro cho bất cứ ai, và việc mang thai lại khiến bạn gặp rủi ro cao hơn mức rủi ro hiện tại của bạn, bởi vì bạn không biết chính xác về việc chăm sóc y tế trước đó, liệu bệnh nhân có mang thai với nguy cơ cao không, họ có điều kiện y tế như thế nào. Do đó chỉ với thực tế đang mang thai trong thai kỳ cuối, chuẩn bị sinh con, bị xuất huyết, có bất cứ tổn hại thể chất nào, bạn biết đó, lạm dụng thể xác, nó sẽ đưa họ vào tình trạng rủi ro cao.”
Những người nhập cư ở McAllen là những người đã được xử lý và lập hồ sơ ở biên giới. Cựu nhân viên tuần tra biên giới Carl Henderson cho biết quá trình làm hồ sơ cho mỗi người mất từ bốn đến năm giờ đồng hồ:
“Mỗi người trong số họ cần phải được lấy dấu vân tay điện tử, mỗi người phải được chụp hình và bạn có thể tưởng tượng ra việc làm điều này với những đứa trẻ thì như thế nào. Có những quy định khác nhau cho những em vị thành niên dưới một độ tuổi nhất định và những em vị thành niên khác mà một lần nữa tạo điều kiện cho sự gian lận. Nhưng gì mà các nhân viên nói với tôi hiện nay là họ có rất nhiều gia đình giả. Một người đàn ông xuất hiện và tiếp cận những em đang chuẩn bị tới lượt, và anh ta nói đây là thỏa thuận: “Tôi sẽ làm chú hoặc tôi sẽ làm bố của em, và bằng cách này, tất cả chúng ta sẽ được thả ra, nhưng nếu em không có một người chú hoặc cha, hoặc ba mẹ - một ai đó đi cùng, thì em sẽ bị vào phòng giam, tôi cũng sắp bị vào phòng giam và sẽ mất nhiều tháng để chúng ta ra khỏi đó.”
Ông Henderson cho biết những người trả tiền cho những kẻ buôn lậu để đưa họ đến Mỹ đang thực hiện một sai lầm lớn nhất của cuộc đời họ. Ông nói những kẻ buôn lậu, còn được gọi là những kẻ vô lại, từng chém và gây thương tật cho nhiều người. Một phần ba phụ nữ bị hãm hiếp trên đường đi, thậm chí một số bé trai cũng bị lạm dụng tình dục trong chuyến đi có thể kéo dài cả tháng. Cuộc sống của những người đã đến được đất Mỹ có thể sẽ không bao giờ còn như trước nữa vì những gì họ đã trải qua trong cả quá trình.