Mỹ, EU gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga
Các biện pháp chế tài mới nhắm vào các giới chức chính phủ và các doanh nghiệp của Nga có liên hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói rằng các biện pháp chế tài này có cả việc giới hạn cấp phép xuất khẩu từ Mỹ sang Nga.
"Chúng tôi luôn nhận thấy nhiều giới chức liên hệ mật thiết với Tổng thống Putin ủng hộ những hành động bất hợp pháp tại Ukraine và chúng tôi có thể nhắm vào các giới chức đó."
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague tố cáo Nga xúi giục đổ máu ở miền đông Ukraine.
Vụ nổ súng đáng lên án nhắm vào thị trưởng thành phố Kharkiv là một dấu hiệu nữa cho thấy bạo động được sử dụng để chống lại những người ủng hộ một nước Ukraine thống nhất.
Tại Brussels, đại diện của 28 quốc gia thành viên của Liên hiệp Châu Âu đã nhóm họp để áp đặt thêm các biện pháp chế tài đối với Nga vì Moscow đã không làm theo thỏa thuận ký tại Geneva. Một người phát ngôn của Ủy hội Châu Âu, bà Pia Ahrenkilde Hansen, nói rằng các nhà ngoại giao Châu Âu cũng đang bàn thảo về một vòng chế tài thứ ba nhắm vào ngành ngân hàng, năng lượng và các ngành kinh tế then chốt khác của Nga.
"Ngay vào lúc này, chúng ta ở vào tình trạng tình hình căng thẳng không hạ giảm, do đó chúng tôi đang cân nhắc thêm những biện pháp trừng phạt mới, chẳng hạn như phong tỏa tài sản, và cấm du hành với những mức độ thích ứng để đáp lại vào thời điểm này."
Các nhà phân tích nói rằng nếu không có những biện pháp chế tài gây tê liệt kinh tế thì không thể chặn Moscow lại được vào thời điểm này. Ông David Kramer, giám đốc viện nghiên cứu Freedom House, nói rằng các biện pháp được áp dụng hiện nay quá yếu.
"Theo tôi thì các biện pháp trừng phạt cần phải cứng rắn hơn và tác động mạnh hơn, cần phải chế tài các ngành kinh tế của Nga. Cách làm đó sẽ gây ra những thiệt hại đặc biệt là cho Châu Âu, còn Hoa Kỳ thì ít hơn. Tôi nghĩ rằng danh sách các cá nhân và doanh nghiệp bị chế tài mà chính quyền Obama đưa ra hôm thứ Hai cho thấy họ nhận thức được những khó khăn trong việc phối hợp hành động với các giới chức Châu Âu. Trong lúc đang công du Á châu, Tổng thống Obama nói rõ rằng ông muốn Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu phải kết hợp thành một mặt trận thống nhất."
Bộ trưởng Tài chánh Đức Wolfgang Schaeuble hôm thứ Hai kêu gọi các nước Châu Âu phải kiên quyết và đoàn kết với nhau để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Phản ứng quan trọng nhất là Châu Âu phải sát cánh với nhau. Và không ai nên đánh giá thấp tính kiên quyết của Châu Âu. Chúng tôi không muốn thấy sự leo thang căng thẳng, chúng tôi muốn hợp tác với nhau. Nhưng nếu được yêu cầu, thì chúng tôi sẽ kiên quyết."
Tại Moscow, Tổng thống Putin tìm cách trấn an các chính trị gia Nga rằng quân đội của nước ông sẽ không bị ảnh hưởng gì từ việc mất đi sự hợp tác đã có từ lâu với công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Ông nói các chuyên gia quân sự Ukraine đã được mời làm việc trong công nghiệp quốc phòng Nga.
"Các chuyên gia quân sự đó sẽ được trả lương tử tế và có nhà cửa đàng hoàng. Quý vị sẽ được cấp đủ ngân sách để lo việc đó. Tiến trình đã bắt đầu."
Vào thời điểm này, nền kinh tế Nga, vốn đã tăng trưởng chậm lại ngay cả trước cuộc khủng hoảng Ukraine, hình như đang sa sút hơn nữa; đồng tiền Nga giảm giá tới mức thấp nhất, thị trường chứng khoán giảm giá mạnh, và các nhà đầu tư đang rút những khoản đầu tư ra khỏi thị trường Nga.