Các giới chức đối lập Syria nói vào cuối ngày hôm qua là hai bên thay vào đó có thể gặp tại những phòng họp riêng rẽ, với việc ông Lakhdar Brahimi, người trung gian hoà giải Liên hiệp quốc, làm nhiệm vụ con thoi đi từ phòng này sang phòng khác.
Những phái đoàn đối nghịch nhau cho thấy không có dấu hiệu thỏa hiệp và đã đe dọa rút lui khỏi những cuộc hòa đàm, đã bắt đầu vào ngày thứ Tư với những lời tuyên bố khai mạc nẩy lửa tại Montreux.
Phe đối lập cho biết sẽ không thương thuyết trực tiếp với chính phủ Syria trừ phi chính phủ này đồng ý về sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad. Damascus đã từ chối việc này và cáo buộc phe nổi dậy là ủng hộ khủng bố.
Ông Ahmad Jarba, chủ tịch của Liên minh Toàn quốc Syria ngày hôm qua tuyên bố là không nghi ngờ gì nữa chế độ Syria đã chết. Nhưng ông nói thêm là điều quan trọng các cuộc thảo luận nên tiến hành.
Ông Jarba nói những cuộc thương thuyết sẽ khó khăn. Không có cuộc thương thuyết nào dễ dàng cả. Tuy nhiên con đường một nghìn dặm bắt đầu bằng một bước.
Đại diện phe đối lập và chính phủ Syria gặp riêng rẽ với ông Brahimi ngày hôm qua. Ông Brahimi, một nhà ngoại giao Algeria trước đây, đã bày tỏ hy vọng là hai bên ngày hôm nay sẽ có thể gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi nội chiến bắt đầu.
Mục đích chính của hội nghị Geneva 2 là thành lập một chính phủ chuyển tiếp dù các nhà phân tích nói cơ may đạt được mục đích này rất ít. Thay vào đó những thành quả khiêm nhường như cho phép các cơ quan cứu trợ nhân đạo tiếp cận thường dân có hy vọng đạt được.
Trong khi đó lãnh tụ al-Qaida Ayman al-Zawahri kêu gọi phe nổi dậy Syria chấùm dứt giao tranh với nhau và chú trọng đến cuộc chiến chống Tổng thống Assad. Oâng Ayman al-Zawahri đưa ra thông điệp này trong một băng thu thanh được đưa lên mạng của các tổ chức chủ chiến.
Phe nổi dậy có liên hệ đến al-Qaida, không muốn công nhận cuộc hòa đàm, đã xung đột với những nhóm nổi dậy khác chống chính phủ Syria trong những tuần lễ gần đây làm hàng trăm người thiệt mạng.
Hoa Kỳ và Nga lãnh đạo những nỗ lực tổ chức hội nghị Geneve trên căn bản một thỏa thuận đạt được tại một hội nghị năm 2012 để tìm một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng Syria. Thỏa thuận này gồm một loạt các bước, trong đó có thương thuyết về một chính phủ chuyển tiếp, ngưng bắn và cam kết cho các cơ quan trợ giúp nhân đạo hoàn tòan đến được với những vùng bị ảnh hưởng vì chiến tranh.
Xung đột ở Syria bắt đầu bằng những cuộc biểu tình ôn hoà vào tháng 3 năm 2011 trước khi biến thành một cuộc nội chiến mà theo Liên hiệp quốc đã làm cho hơn 100.000 người thiệt mạng và gần 9 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.