Nam Sudan cho biết đang chuẩn bị hòa đàm
Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir hôm thứ Năm họp với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn ở Juba để hoạch định một phương sách tiến tới nhằm chấm dứt vụ khủng hoảng đang tiếp diễn.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Sudan Mawien Makol Arik nói các nhà lãnh đạo đã thảo luận các nỗ lực nhằm đưa ông Kiir và cựu phó tổng thống Riek Machar vào một cuộc đối thoại.
Ông Kiir đã tố cáo ông Machar và các ủng hộ viên của ông là đứng sau một âm mưu đảo chính hôm 15 tháng 12 đã gây chia rẽ giữa quân đội với nhau trong một số khu vực và gây căng thẳng sắc tộc. Ông Machar phủ nhận các cáo buộc về đảo chính nhưng đã kêu gọi quân đội bãi chức Tổng thống Kiir.
Ông Machar từng nói ông sẵn sàng đàm phán nếu chính phủ phóng thích các đồng minh chính trị của ông đã bị bắt trong những ngày đầu khủng hoảng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Arik nói chính phủ sẽ không đồng ý với yêu cầu vừa kể.
Ông Arik nói: “Tổng thống sẵn sàng tham gia đối thoại với phe này, miễn là không có điều kiện tiên quyết, gồm cả việc phóng thích các tù nhân chính trị.”
Chưa có kỳ hạn nào được định ra để khởi sự thương thuyết.
Ông Arik nói các cơ chế để tiến tới sẽ được thảo luận thêm vào ngày thứ Sáu trong một cuộc họp các đại diện của nhóm khu vực Sừng Phi châu, tức IGAD, ở Nairobi.
Trong khi đó, quân đội Nam Sudan cho hay quân đội đã giao tranh với binh sĩ nổi loạn hôm thứ Năm tại bang Unity, một vùng chủ yếu sản xuất dầu, nơi bạo động giữa các phep phái trong quân đội rất nghiêm trọng.
Các giới chức Liên Hiệp Quốc nói có hơn 1.000 người có thể đã thiệt mạng trên khắp cả nước kể từ khi giao tranh khởi sự hồi đầu tháng này.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm, Ðại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Sudan, bà Hilde Johnson hoan nghênh mọi nỗ lực hòa giải các phe lâm chiến, vì lợi ích của thường dân bị kẹt giữa hai lằn đạn.
Bà Johnson nói: “Thiết lập một bầu không khí bảo vệ thường dân để họ cảm thấy an toàn và có thể trở về nhà với gia đình có thể giải quyết vấn đề này cho tất cả chúng ta, và đó là điều chúng ta hy vọng sẽ chứng kiến và đó sẽ là một công tác quan trọng của chúng ta trong tư cách một phái bộ và thay mặt cho chính phủ.”
Hàng chục ngàn thường dân đã đi lánh nạn ở các căn cứ Liên Hiệp Quốc khắp nước, làm căng các nguồn lực.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba đồng ý phái thêm 5.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan.