Trung Quốc đã cảnh báo tất cả các máy bay thông báo lý lịch và tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh trong khu vực phòng không mới ở Biển Đông Trung Hoa.
Ngay từ lúc đầu, Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao và Ngũ giác đài đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với quyết định đó và về mối đe dọa mà họ nói là việc này gây ra cho an ninh khu vực. Hôm thứ hai, quân đội Mỹ đã cho hai chiếc oanh tạc cơ B 52 không vũ trang bay vào vùng này mà không thông báo cho Trung Quốc.
Nam Triều Tiên và Nhật Bản nói rằng họ sẽ làm ngơ chính sách mới của Trung Quốc. Tại Australia, giới hữu trách đã triệu Đại sứ của Trung Quốc đến để đòi giải thích.
Tân Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, bà Caroline Kennedy, hôm nay ca ngợi sự tự chế của Nhật và cảnh báo rằng hành động của Trung Quốc chỉ làm cho căng thẳng trong khu vực gia tăng mà thôi.
Bà cũng thúc giục hai nước tìm cách giải quyết vấn đề thông qua các kênh ngoại giao:
"Nhật Bản đã chứng tỏ sự tự chế mạnh mẽ trong năm qua và chúng tôi hối thúc họ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi khuyến khích Nhật Bản gia tăng sự tiếp xúc với các nước láng giềng và tiếp tục ứng phó với những thách thức khu vực với một cách thức thận trọng."
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về an ninh hải dương Á châu của Học viện Quốc phòng Australia, việc sử dụng B 52 trong phi vụ mà quân đội Mỹ nói là “đã lên kế hoạch từ trước” đã gây thêm sức ép lên Trung Quốc. Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng điều này đưa quả banh trở lại phía sân của Trung Quốc. Họ đã tuyên bố thiết lập khu vực này và đề ra những luật lệ của họ, và Hoa Kỳ chẳng những chỉ tuyên bố là sẽ làm ngơ mà còn đã thật sự làm ngơ."
Phản ứng ban đầu của bộ quốc phòng Trung Quốc đối với phi vụ của Mỹ không mấy ồn ào.
Họ đưa ra một thông cáo ngắn, trong đó họ nói rằng họ đã theo dõi toàn bộ chuyến bay của các máy bay đó và đã kịp thời nhận dạng các máy bay đó. Người phát ngôn bộ này lập lại cảnh báo là Trung Quốc có khả năng để hành sử quyền kiểm soát có hiệu quả đối với khu vực này trong tương lai.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng Trung Quốc đã hành sử quyền tự vệ hợp pháp khi thiết lập khu vực phòng không này.
Ông nói rằng Trung Quốc đã thông báo cho các nước liên hệ về quyết định này trước khi loan báo và Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước khác để tăng cường việc tiếp xúc và duy trì hòa bình, ổn định khu vực và sự an toàn của các chuyến bay.
Các nhà phân tích cho biết khu vực nhận dạng phòng không được thiết lập lần đầu sau thế chiến thứ hai. Hoa Kỳ lập khu vực nhận dạng phòng không vào năm 1950 và đòi hỏi các máy bay báo cáo với giới hữu trách dân sự khi họ bay tới nước Mỹ, nhưng không cần thông báo nếu chỉ bay ngang.
Giáo sư Thayer cho rằng khu vực phòng không có ích cho việc bảo đảm an ninh trong thời Chiến tranh Lạnh với Liên Sô, nhưng qui chế pháp lý của khu vực không rõ ràng vì nó vượt khỏi không phận và lãnh hải quốc gia, mà Liên hiệp quốc ấn định là cách bờ biển 12 kilomét. Giáo sư Thayer nói:
"Đây không phải là những khu vực được tuyên bố khi có một vụ tranh cãi đang tiếp diễn như vụ tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc cho rằng đây là một hành động phòng vệ để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ đối với vùng trời của họ. Nhưng vấn đề ở đây là vùng này không phải là không phận của họ mà mà không phận quốc tế."
Tại Trung Quốc, các nhà bình luận phần lớn hoan nghênh hành động này như một dấu hiệu cho thấy sự kiên quyết trong các ứng phó với Nhật Bản. Nhưng đồng thời, một số người cũng ghi nhận là khu vực này không giống như không phận quốc gia và các máy bay được phép tự do ra vào khu vực.
Theo các qui định mới, máy bay tiến vào khu vực phòng không phải thông báo lý lịch và tuân theo mệnh lệnh của Trung Quốc nếu không muốn đối mặt với hành động quân sự. Trung Quốc cũng nói rằng họ bảo lưu quyền loan báo những khu vực nhận dạng phòng không tại những nơi khác.
Các nhà phân tích nói rằng điều đó có nghĩa là Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông có thể là nơi Trung Quốc sẽ tuyên bố khu vực phòng không mới.