Page 1 of 1

Kiểm toán giá xăng dầu có làm giá xăng dầu giảm?

PostPosted: Thu Jul 28, 2011 11:41 am
by NewsReporter
VOA - Economy

Kiểm toán giá xăng dầu đang là chủ đề nóng và được dư luận hết sức quan tâm. Điều bất thường là có vẻ như ngay cả những người làm quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng không có tiếng nói chung: Trong khi Bộ Công thương phản đối chủ trương này thì Bộ Thương mại lại ủng hộ.

Đại diện cho Bộ Công thương, thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng “hiện cấu thành giá xăng dầu đều được cập nhật trên bản tin thị trường, trong đó nói rõ giá nhập khẩu bao nhiêu, thuế bao nhiêu, trích quỹ bình ổn bao nhiêu. Phần lớn người tiêu dùng hiện nay không hiểu hoặc cố tình không tìm hiểu nên mới có đề xuất kiểm toán giá xăng dầu”.

Trong khi đó, một quan chức Bộ tài chính là ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, thì lại cho rằng việc kiểm toán độc lập giá xăng dầu là hoàn toàn nên làm, để tăng tính minh bạch và công khai về giá bán xăng dầu trong nước. Một nhân vật khác, cũng thuộc Bộ Tài chính, là ông Vũ Đình Ánh, Vụ nghiên cứu giá cả, cũng nhận định: “Thông tin mà doanh nghiệp đưa ra là một phần, nhưng vấn đề là không có ai, cơ quan nào đứng ra kiểm soát sự chính xác của thông tin đó. Tôi nghĩ cần phải có một đơn vị độc lập làm việc này …”

Câu chuyện khá kỳ lạ này khiến nhiều người đặt dấu hỏi về việc có nên kiểm toán hay không, và trong hai quan điểm trên của Bộ Công thương và Bộ Tài chính, cái nào đúng, cái nào sai?

Cơ chế hình thành giá xăng dầu

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống hàng ngày của người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì thế, nó luôn được đưa vào diện bị quản lý về giá. Việc giá cả xăng dầu biến động thất thường, và nhìn chung là tăng nhiều hơn giảm, khiến nhiều người thắc mắc về cơ chế hình thành giá xăng dầu ở Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam hiện nay được đáp ứng phần lớn bởi nguồn nhập khẩu do 11 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu thực hiện, trong đó Petrolimex là đầu mối lớn nhất với 50% thị phần. Nhiều trong số các doanh nghiệp này vừa thực hiện việc nhập khẩu và bán buôn (kinh doanh đầu nguồn) vừa thực hiện việc phân phối bán lẻ (kinh doanh cuối nguồn). Thí dụ Petrolimex vừa nhập khẩu vừa phân phối bán lẻ xăng dầu với khoảng hơn 2000 cửa hàng bán lẻ trực thuộc và 4.000 đại lý, tổng đại lý trên phạm vi toàn quốc.

Trên nguyên tắc, các doanh nghiệp này cạnh tranh với nhau để cung cấp xăng dầu cho người dân và doanh nghiệp. Vì sản phẩm xăng dầu là sản phẩm khá thuần nhất về chất lượng, cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp này sẽ chủ yếu là về giá. Nói nôm na là ai bán rẻ hơn sẽ có khách hàng. Trong một cuộc chơi như vậy, giá cả xăng dầu sẽ thấp, người dân và doanh nghiệp được lợi, còn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ không thể có lãi cao.

Thế nhưng nguyên tắc chỉ là nguyên tắc. Có nhiều lý do khiến cho tình hình thị trường thực tế không diễn biến giống như nguyên tắc lý thuyết:

Thứ nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua nhiều cơ chế như các hiệp hội có thể cấu kết với nhau để nâng giá bán lẻ. Trường hợp này thường bị luật pháp ngăn cấm (luật chống độc quyền). Ở Việt Nam, luật cạnh tranh cũng cấm các hành vi cấu kết để nâng giá. Tuy nhiên, việc thực hiện luật cạnh tranh ở Việt Nam vẫn còn rất yếu. Các doanh nghiệp khi bị phát hiện “làm giá” chỉ bị xử phạt nhẹ và không tạo được tính răn đe.

Thứ hai, các doanh nghiệp bán lẻ thường có xu hướng “cát cứ”, có nghĩa là một mình nắm một địa bàn nhất định. Người tiêu dùng xăng dầu ở các địa bàn này không có lựa chọn thay thế do đó buộc phải sử dụng nhà phân phối “độc quyền” của địa phương. Trong các trường hợp đó, giá bán lẻ có thể tăng cao hơn mức giá cạnh tranh bình thường.

Thứ ba, trong trường hợp một hoặc một vài doanh nghiệp nắm thị phần quá lớn thì họ có đủ quyền lực thị trường để chủ động tăng giá. Kinh tế học phương tây gọi các doanh nghiệp này là thủ lĩnh của thị trường với vai trò then chốt (market leader with pivotal role). Lý do các doanh nghiệp này có thể tăng giá là họ chỉ cần thu hẹp bớt một phần sản lượng cung cấp ra (economic withholding) thì ngay lập tức sẽ tạo sự khan hiếm giả tạo trên thị trường khiến cho giá cả tăng vọt. Trong trường hợp ở Việt Nam, Petrolimex với hơn 50% thị phần hoàn toàn có thể làm được chuyện này nếu họ muốn.

Ở Việt Nam, giá xăng dầu còn bị chi phối bởi một yếu tố khác nữa là chính sách quản lý giá và điều tiết của nhà nước. Với chính sách quản lý giá cả, doanh nghiệp không còn là nhân tố duy nhất quyết định giá bán một sản phẩm phải là bao nhiêu mà nhà nước cũng tham gia xác định khung giá. Điều này tạo ra sự phức tạp nhất định trong diễn biến của giá cả và phần nhiều là làm cho giá cả có xu hương tăng cao hơn giá cạnh tranh của thị trường. (còn tiếp)
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.