Phái đoàn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo bị phản đối tại Miến
Tổ chức này bao gồm các bộ trưởng từ Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh. Indonesia, Malaysia, và Djubuti đã tới hôm thứ Tư để thẩm định tình hình của cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại Miến Điện, vốn đã can dự vào các vụ đụng độ với tín đồ Phật giáo tại bang Rakhine ở miền tây.
Hàng trăm tín đồ Phật giáo, trong đó có hàng chục tăng sĩ đã biểu tình bên ngoài phi trường Rangoon, tố cáo OIC là thiên vị cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại nước họ. Cuộc biểu tình này diễn ra một cách ôn hòa.
Một phát ngôn nhân của Tổng thống Thein Sein, Ye Htut, nói với ban Miến Ngữ đài VOA rằng chuyến viếng thăm này sẽ chú trọng vào một vấn đề rất nhỏ.
“Chuyến viếng thăm này không phải như tin đã lan truyền, là mở một văn phòng chi nhánh của OIC tại Miến Điện và công nhận những người “Bengal” là một sắc tộc của quốc gia dưới tên gọi 'Rohingya.' Chúng tôi đã sắp đặt chuyến viếng thăm này cho họ để chứng kiến tình hình hòa bình, ổn định, và tái thiết tại bang Rakhine.”
Ông nhắc tới một điều gây tranh cãi liên quan tới danh xưng những người Hồi giáo tại bang Rakhine. Chính phủ gọi họ là người “Bangal” bởi vì hầu hết mọi người trong số họ tới từ nước láng giềng Bangladesh nhiều thế hệ trước đây. Nhưng những người Hồi giáo địa phương muốn được xác định là một sắc tộc cộng đồng Hồi giáo thiểu số đặc biệt được gọi là Rohingya.
Cuộc bạo động hồi năm ngoái giữa các tín đồ Hồi giáo và Phật giáo đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 100.000 người không có nơi trú ngụ, hầu hết từ cộng đồng thiểu số Rohingya.
Ông Htut nói rằng phái đoàn OIC sẽ gặp các giới chức Miến Điện bắt đầu vào thứ Năm, nhưng họ sẽ không mở cuộc hội đàm với Tổng thống Thein Sein. Hồi tuần trước, OIC đã nói với đài VOA rằng phái đoàn của họ sẽ gặp nhà lãnh đạo đối lập của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi. Nhưng Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà nói rằng, sẽ không có một cuộc họp như vậy xảy ra.