Nạn nhân bão ở Philippines đói khát cần thức ăn, nước uống
Tại sân bay Không quân Villamor ở Manila, những chiếc máy bay C130 này chở đầy hàng cứu trợ đang trên đường đi tới một trong những thành phố bị tác động nặng nhất là Tacloban, thuộc tỉnh Leyte.
Một số tổ chức cứu trợ cho biết hàng cứu trợ của họ phải mất khoảng thời gian gấp 3 lần để đến nơi bởi vì quá nhiều tuyến đường bộ đã bị chận vì những đống đổ nát khổng lồ do cây và nhà đổ.
Ở bên kia sân bay, khoảng 400 người đang chờ cơ may kiếm được một chỗ trên một trong các chuyến bay trực chỉ vùng bị tàn phá.
Trong số những người này có ông Tito Lucinareo, một người cha có 2 hai đứa con trai nhỏ ở một thị trấn nhỏ cách Tacloban 25 kilomet. Ông nói ông đã tìm cách gọi điện được cho một trong các anh em trai của ông và được biết 2 đứa con ông đã sống sót sau cơn bão. Nhưng ông Lucinareo không chắc là chúng có thực phẩm.
Ông Lucinareo nói, “Ta thắc mắc liệu con mình có thức ăn hay không. Liệu nó có đói không. Con tôi thích ăn lắm, nhất là bánh bích quy.”
Ông Lucinareo cùng người anh em trai và anh em họ đã sửa soạn những túi đầy đồ ăn mà họ định đi bộ đem và tỉnh nhà.
Một số người ở Tacloban đã quay ra hôi của, với tin tức về các cửa hàng thực phẩm và thương xá bị cướp bóc bởi những người tuyệt vọng đi tìm thức ăn và nước sạch. Hôm qua chính phủ cho biết sẽ gửi thêm quân đội và nhân viên cảnh sát đến để cố gắng vãn hồi trật tự.
Trong khi những chiếc máy bay C130 sẵn sàng cất cánh, Bộ trưởng Nội các Rene Almendras tường trình với các phóng viên trên đài truyền hình nhà nước. Ông nêu ra một số khó khăn lớn nhất của chính phủ trong việc tìm cách xử lý khủng hoảng.
Ông Almendras nói chỉ riêng việc di chuyển hàng hoá, có “quá nhiều chi tiết vận hành và trở ngại phải tính toán.”
“Tôi không biết mô tả thế nào. Mỗi một thước vuông trên máy bay C130 hay một cân trong trọng tải của chiếc C130 từ Manila đến Tacloban đều cấp thiết và chúng tôi có thể quay vòng các máy bay nhanh cỡ nào, cùng với biết bao nhiêu chi tiết khác, nhiên liệu này nọ, và đủ mọi thứ.”
Ông Almendras cũng nói việc nắm vững liệu đi qua một số tuyến đường có an toàn hay không đã là một vấn đề. Ông nói chính phủ quốc gia cần phải tiếp cận được sự hiểu biết của chính quyền địa phương về những làng mạc khác nhau để nhân viên ứng cứu của quân đội và chính phủ có thể đến các khu vực đó.
Các tuyến thông tin liên lạc đã được phục hồi từng bước ở các địa điểm ít bị tàn phá hơn. Nhưng tại các khu vực bị nạn nặng nhất, vẫn chưa có điện và dịch vụ điện thoại di động thì lúc có lúc không.
Tại Sân bay Không quân, bà Nelida Palconite cho biết bà không chắc liệu bà có thể đáp chuyến bay về nhà ở Tacloban hay không. Vì thế bà đưa ra lời cầu khẩn này.
Bà nói chúng tôi cần thực phẩm, chúng tôi cần mọi thứ quý vị có thể cho chúng tôi. Thuốc men, nước …
Một phát ngôn viên Không lực nói “toàn bộ tình hình thực là một thách thức” mà quân đội phải khắc phục.