Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lẽ ra đã đến dự các cuộc họp thượng đỉnh ở Brunei để thúc đẩy cho một bộ qui tắc hành xử khu vực nhằm góp phần ngăn chận những vụ xung đột quân sự ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn với những yêu sách của 4 nước vùng Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Các giới chức Trung Quốc trong tuần này đã nhắc lại lập trường là không muốn các nước bên ngoài khu vực gây sức ép về vụ tranh chấp.
Ngày hôm nay, tại cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, qui tụ các nhà lãnh đạo của 18 nước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ của các nước trong khu vực và ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Ông Lý nói rằng các cuộc thảo luận nên tập trung vào những lãnh vực hợp tác như phát triển kinh tế và cải thiện mức sống của người dân.
Ông Lý Khắc Cường cũng nói rằng khu vực Đông Á đã có được những tiến bộ to lớn trong những năm qua vì không có những vụ xung đột quân sự và nhờ đó mà các nước trong vùng có thể tập trung nỗ lực vào mục tiêu phát triển.
Ông Lý Khắc Cường cũng tuyên bố rằng “tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa chưa bao giờ là một vấn đề và sẽ không bao giờ là một vấn đề.” Ông cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục ra sức đạt được tiến bộ trong các cuộc tham vấn với các thành viên ASEAN về một bộ qui tắc hành xử trong vùng biển có tranh chấp, “dựa trên cơ sở của việc hình thành nhận thức chung.”
Nói một cách khác, Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề một cách riêng rẽ với từng nước một, chứ không phải giải quyết chung như mong muốn của Washington, Tokyo và một số nước hội viên ASEAN.
Một thông cáo chung của ASEAN và Trung Quốc công bố ngày hôm nay không cho thấy có sự đột phá nào. Thông cáo chỉ có một cam kết của tổ chức khu vực này và Bắc Kinh là “làm việc để hướng tới sự đúc kết của một Bộ Qui tắc Hành xử Biển Đông trên cơ sở đồng thuận.”
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Ngoại trưởng Kerry nói rằng “một Bộ Qui tắc Hành xử là cần thiết cho dài hạn, nhưng các nước cũng có thể thực hiện những bước đi ngay từ ngày hôm nay để giảm thiểu mối rủi ro ngộ nhận và tính toán sai lầm.” Ông nói thêm rằng “các quyền của mọi nước, bất kể lớn nhỏ, đều phải được tôn trọng.”
Tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị, Quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei cho biết trong thời gian gần đây đã có điều mà ông gọi là “những diễn tiến tích cực” hướng tới một bộ qui tắc hành xử.
"ASEAN và Trung Quốc đã chỉ thị cho các vị bộ trưởng và các quan chức cấp cao tăng cường các cuộc thảo luận về Bộ Qui tắc Hành xử đã được đề nghị."
Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, là nước có một vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo riêng rẽ với Trung Quốc, đã phát biểu tại Thượng đỉnh Đông Á rằng những mối căng thẳng vì vấn đề Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và ổn định của toàn khu vực.
Nhà lãnh đạo Nhật cho báo chí biết rằng ông muốn thấy một bộ qui tắc hành xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN được thực thi càng sớm càng tốt.
Chính phủ Philippines cũng bày tỏ một sự mong muốn như vậy.