Phản ứng từ Châu Á về việc chính phủ Mỹ đóng cửa
Số người bán chứng khoán và đô la trên các thị trường Châu Á hôm nay gia tăng chút đỉnh vì vụ chính phủ Mỹ đóng cửa từng phần. Từ trung tâm tin tức Châu Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.
Các nhà mua bán chứng khoán cho biết vụ đóng cửa đầu tiên trong vòng 17 năm của chính phủ Mỹ đã làm sút giảm số điểm gia tăng trên thị trường Tokyo sáng sớm hôm nay, nhưng vào cuối ngày giao dịch chỉ số Neikkei cũng tăng được 29 điểm, tương đương với 0,2%.
Các thị trường Hồng Kông và Thượng Hải hôm nay đóng cửa nghỉ lễ. Chỉ số KOSPI của Nam Triều Tiên tăng 0,1%.
Ông Masamichi Adachi, một chuyên gia kinh tế của đại công ty JP Morgan ở Tokyo, cho biết trong thời gian gần đây các nhà đầu tư đã dự kiến là chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa.
"Nhưng nếu họ đóng cửa lâu hơn, giả dụ như vài tuần lễ, thì việc đó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực. Và chúng tôi quan tâm hơn tới vấn đề mức trần nợ vì điều đó có thể dẫn tới chỗ trái phiếu chính phủ Mỹ không được thanh toán trên lý thuyết. Và việc đó sẽ có tác động tiêu cực rất lớn đối với các thị trường tài chánh."
Bộ Tài chánh Mỹ cảnh báo rằng chính phủ sẽ không còn quyền mượn nợ trong tháng 10. Quốc hội phải thông qua các dự luật để nâng cao mức trần nợ trước thời hạn chót.
Ông Nuttachart Mekmasin, Phó Chủ tịch công ty chứng khoán Trinity ở Bangkok, cho biết ông dự kiến các vấn đề ở Mỹ sẽ có những tác động hạn chế vào lúc này.
"Tôi nghĩ rằng thị trường ở các nước Châu Á có lẽ không gặp vấn đề lớn như ở Mỹ. Nhưng trong ngắn hạn có thể sẽ có tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài. Trên thị trường của chúng tôi trong tuần qua số chứng khoán người nước ngoài bán ra nhiều hơn số mua. Các thị trường chứng khoán khác ở Châu Á cũng vậy. Nhưng thị trường đã ứng phó khá tốt với áp lực này."
Tỉ giá hối đoái của đô la Mỹ ở các thị trường Châu Á đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 9 tháng, và đồng yen được hưởng lợi từ tình trạng bất trắc ở Washington.
Tin về vụ đóng cửa đã được truyền thông địa phương tường thuật cặn kẽ trong ngày hôm nay.
Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc cảnh báo du khách tới Mỹ là những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch, như các công viên quốc gia và các đài tưởng niệm ở thủ đô Washington, sẽ bị đóng cửa.
Một số người cũng lo ngại về tác động của vụ này đối với công cuộc làm ăn mua bán với nước Mỹ.
Giáo sư Trần Kỳ của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc có phần chắc không lợi dụng vụ này để phục vụ các mục tiêu chính trị.
Giáo sư Trần Kỳ cho rằng nếu việc này xảy ra ở những nước khác thì vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn, nhưng ông tin rằng chính phủ và chính khách Mỹ có đủ ngôn ngoan để đạt được một sự đồng thuận và giải quyết vấn đề một cách êm thắm, đặc biệt là vì Washington đã trải qua kinh nghiệm này nhiều lần.
Tại Ấn Độ, một số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng họ không hiểu tại sao một nước phát triển như nước Mỹ mà lại để cho chính phủ bị đóng cửa chỉ vì một sự đối đầu ở Quốc hội.
Cô Meher Rana, một sinh viên của Đại học Jesus và Mary ở New Dehli, nói rằng đây là một việc đáng buồn và cô e rằng gia đình cô sẽ gánh chịu những ảnh hưởng trực tiếp.
"Cha tôi là một nhà xuất khẩu và ông đã làm ăn rất lâu trên thị trường Bắc Mỹ và một số quốc gia Nam Mỹ. Giờ đây nền kinh tế đang xuống dốc mà chính phủ lại bị đóng cửa. Việc này sẽ ảnh hưởng tới cha tôi và chúng tôi thật sự cảm thấy kinh ngạc."
Vụ chính phủ Mỹ đóng cửa từng phần đã xảy ra sau khi các nhà lập pháp hồi khuya thứ hai không đạt được thỏa thuận về ngân sách của tài khóa mới bắt đầu từ ngày 1 tháng 10.