Tỷ lệ nghèo khó giảm mạnh ở Ấn Độ
Anh Jay Prakash Mahato, 35 tuổi bắt đầu ngày của mình lúc 5 giờ sáng bằng công việc rửa xe hơi ở trung tâm kinh doanh Gurgaon. Sau đó anh đi làm tại một nhà máy sản xuất dụng cụ ăn uống. Hai công việc bán thời gian cùng với công việc thường xuyên giúp anh kiếm được khoảng 200 đôla một tháng.
Anh Mahato nói tình trạng kinh tế của anh đã cải thiện nhiều kể từ khi anh dời cư từ một ngôi làng ở Bihar cách đây hơn 1 chục năm.
Anh Mahato nói khi đến Gurgaon, lương của anh rất thấp, khoảng 40 đôla. Anh sống vất vưởng cho qua ngày. Nay anh có thể nuôi ăn mặc khá thoải mái 4 đứa con.
Các kinh tế gia liên kết thu nhập cao hơn của anh Mahato với một thập niên trong đó nền kinh tế của Ấn Ðộ tăng trưởng ở mức gần 8% mỗi năm. Lương hướng khá hơn và những người như anh Mahato có thêm các cơ hội, cho dù là nhờ công việc làm thường xuyên hay là công việc làm bán thời gian.
Trong tuần này, chính phủ Ấn Ðộ loan báo con số người nghèo sụt giảm từ mức hơn 400 triệu vào năm 2005 xuống còn 270 triệu vào năm 2012. Ðó là sự sụt giảm từ tỷ lệ 37% xuống còn 22% dân số, hay áng chừng 2% mỗi năm.
Các kinh tế gia nói con số thực sự người nghèo là đáng tranh cãi bởi vì chính phủ chỉ đếm những người chi tiêu dưới 55 xu mỗi ngày ở các khu vực đô thị và khoảng 45 xu ở vùng nông thôn được coi là nghèo.
Tiêu chuẩn quốc tế về nghèo khó là dưới 1 đôla 25 xu mỗi ngày. Theo tiêu chuẩn đó, trong năm 2010, Ngân hàng Thế giới ước tính có gần 33% người Ấn sống trong cảnh nghèo khó.
Kinh tế gia Y.K. Alagh ở Gujarat nói có thể nêu nghi vấn về tỷ lệ chính xác người nghèo trong nước là 1,2 tỷ người. Nhưng ông nói khuynh hướng là rõ rệt – có bằng chứng cho thấy sự nghèo khó đã sụt giảm ở một mức độ nhanh hơn trong thập niên vừa qua. Ông nói:
“Thứ nhất, đó là một thời kỳ tăng trưởng cao. Thứ nhì, đó là một thời kỳ tăng trưởng nông nghiệp cao. Tình trạng tuyển dụng cũng khá hơn. Tăng trưởng nông nghiệp và tuyển dụng là các yếu tố quyết định quan trọng về nghèo khó. Vì thế, trong ý nghĩa đó thì có thể chấp nhận là tình trạng nghèo khó đã sụt giảm tại Ấn Ðộ, còn mức độ ra sao, thì …”
Sự sụt giảm đã nhiều hơn tại các vùng nông thôn rộng lớn trong nước, nơi sinh cư của 2/3 dân số. Một số các bang nghèo nhất của Ấn Ðộ như Orissa, Bihar và Rajasthan cũng cho thấy mức nghèo khó sụt giảm mạnh hơn so với các khu vực giầu có.
Tuy nhiên, các vùng nông thôn vẫn là nơi sinh cư của đa số dân nghèo, 3 trong số 4 người nghèo sinh sống ở vùng quê.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Phát triển Indira Gandhi ở Mumbai, ông Mahendrea Dev, nói rằng sự kiện đó khiến điều cấp thiết là phải tập trung vào việc tạo thêm công ăn việc làm bên ngoài khu vực nông nghiệp. Ông cho biết:
“Có nhu cầu chuyển qua các công việc phi nông nghiệp, mà điều cơ bản là chúng ta cần có thêm công việc làm sản xuất. Ấn Ðộ thiếu khu vực sản xuất cần nhiều lao động. Ta không thể làm việc đó trong ngày một ngày hai, nhưng trong trung kỳ thì chúng ta phải tiến vào khu vực sản xuất.”
Anh Mahato, dời cư từ một trong các bang nghèo nhất Ấn Ðộ là bang Bihar, đồng ý như vậy.
Anh nói tình trạng của anh rất bết bát trong làng. Không có công ăn việc làm và không có tiền bạc, và nguồn sống chính là một vài cánh đồng mà họ trồng trọt.
Phe đối lập chính trị đã đả kích chính phủ về những con số mới nhất về người nghèo khó và nói rằng các con số này được tính toán bằng cách hạ thấp mức đo nghèo.
Kinh tế gia Alagh nói thành tích chống nghèo của Ấn Ðộ vẫn xấu tốt lẫn lộn:
“Mức tiêu thụ hạt đã tăng. Mức độ dinh dưỡng đã cải thiện, nhưng phụ nữ, trẻ em gái và ở một số vùng, tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính vẫn còn rất cao. Rõ ràng có những thất bại trắng trợn. Ðã có thể tiến hành nhiều biện pháp khác, các chương trình nhắm đúng trọng điểm hơn, đánh gia tốt hơn, các cơ chế địa phương hũu hiệu hơn.”
Chính phủ đã hứa có những tiêu chuẩn mới để xác định người nghèo và thêm các chương trình chống mức suy dinh dưỡng cao trong nước. Trong số này có một chương trình thực phẩm đại quy mô cung cấp các loại thực phẩm hạt được trợ cấp cao cho gần 2/3 dân số. Tuy nhiên, các đảng đối lập đang nêu thắc mắc với chính phủ là tìm cách thúc đẩy chương trình này nếu nói rằng chỉ có 1 trong 5 người là nghèo khó.