Hoa Kỳ cố gắng xoa dịu căng thẳng với Afghanistan
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Afghanistan Hamid Karzai hai lần trong vòng 24 giờ đồng hồ để tìm cách và cứu vãn các kế hoạch hòa đàm với phe Taliban và các cuộc đàm phán song phương về an ninh với Kabul.
Chính phủ của ông Karzai đã phản đối các cuộc họp sau khi phe Taliban dùng lá cờ Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan tại văn phòng Doha - một hành động mà người Afghanistan coi như mưu toan của nhóm chủ chiến này tự xác định mình là một chính phủ hợp pháp.
Các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với phe Taliban đã dự trù khởi sự hôm thứ năm ở Qatar. Một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay Bộ Ngoại giao Qatar đã can thiệp, và lá cờ đã được thay thế bằng một biểu ngữ ghi là “Văn phòng Chính trị của Taliban ở Afghanistan.”
Nhưng đến chiều thứ năm, giới lãnh đạo Afghanistan dường như vẫn không hài lòng. Phát ngôn viên phủ Tổng thống Eimal Faizi tuyên bố:
“Lập trường của chúng tôi không thay đổi, không gửi Hội đồng Hòa bình Cấp cao đến Qatar dự hòa đàm, mà cũng không dự các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ.”
Khi Hoa Kỳ nói hôm thứ ba rằng các cuộc đàm phán với Taliban sẽ xúc tiến, ông Karzai phản ứng bằng cách đình chỉ các cuộc hội đàm với Washington về các vấn đề an ninh song phương.
Ông Wadir Safi, một giáo sư khoa học chính trị ở trường Ðại học Kabul, nói tiến trình hòa giải không phải là điều sẽ xảy ra trong ngày một ngày hai. Nhưng ông tiên đoán vụ tranh chấp mới nhất sẽ được giải quyết và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục. Theo ông, Afghanistan không có chọn lựa.
Ông giải thích:” Họ sẽ phải làm như thế. Không có cách nào khác hơn là ngồi và nói chuyện với nhau. Người Afghanistna và quốc gia Afghanistan đã chán ngán chiến tranh và tất cả đều muốn có hòa bình. Nếu ông Karzai do dự, hay phe Taliban do dự, thì mỗi bên sẽ đều tệ hại hơn một chút nếu không muốn đi dự các cuộc hòa đàm.”
Cùng với những nước còn lại trong lực lượng liên minh, dự định rút binh sĩ tác chiến ra khỏi Afghanistan trước cuối năm tới, Hoa Kỳ coi các cuộc đàm phán với Taliban là giải pháp duy nhất cho vụ xung đột.
Nhưng cho đến nay, phe Taliban đã từ chối không chịu nói chuyện trực tiếp với ông Karzai, và nhà lãnh đạo Afghanistan phản đối các cuộc thương nghị giữa Taliban và Hoa Kỳ mà không có sự tham dự của chính phủ ông.
Chính phủ Afghanistan cũng chỉ trích nước láng giềng Pakistan, nước từng nói sẽ tham dự các cuộc đàm phán ở Doha. Ðược cho là có quan hệ với phe Taliban ở Afghanistan, Pakistan cũng được cho là đóng một vai trò thiết yếu trong tiến trình hòa bình.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Afghanistan lên án Pakistan là dung dưỡng một số thủ lãnh chủ chiến Taliban trong khi bỏ tù những người khác – có thể ám chỉ những người thuộc Taliban đã tiếp xúc với chính phủ của ông Karzai. Thông cáo yêu cầu phóng thích tất cả các thủ lãnh đang bị bỏ tù.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Aizaz Ahmed Choudhry nhấn mạnh rằng Islamabad ủng hộ tiến trình hòa bình.
Ông nói: “Pakistan đã tạo thuận lợi cho tiến trình hòa giải ở Pakistan. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ mục tiêu toàn diện của chúng tôi, là hợp tác với tất cả các bên có liên quan để đem lại hòa bình và ổn định ở Afghanistan, và chúng tôi nghĩ rằng tiến trình hòa giải sẽ là một yếu tố trung tâm trong nỗ lực đó.”
Phe Taliban đã tỏ ý cho thấy rằng một phần trong các cuộc đàm phán ở Qatar sẽ bao gồm việc có thể phóng thích Trung sĩ Lục quân Hoa Kỳ Bowe Bergdahl, bị nhóm chủ chiếm giam giữ từ năm 2009, để đổi lấy việc phóng thích năm tù nhân bị Hoa Kỳ giam giữ ở trại Guantanamo.