Các cựu chiến binh Mau Mau Kenya hy vọng sắp giải quyết tran
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Kenya cách đây nhiều thập niên, phong trào kháng chiến Mau Mau phát động một cuộc chiến tranh du kích chống lại chính quyền thuộc địa Anh. Hàng trăm ngàn người bị cáo buộc tham gia cuộc nổi dậy đã bị chính phủ thuộc địa bắt, bị tra tấn hay xử tử.
Tháng 10 năm ngoái Tòa án Cấp cao Anh phán rằng Bộ Ngoại giao phải bị xét xử về những tội phạm trong những năm 1950 tại nước thuộc địa Kenya.
Chính phủ Anh loan báo sẽ kháng cáo phán quyết này, nhưng việc thương thuyết đang tiến hành giữa các luật sư Mau Mau và Bộ Ngoại giao Anh sẽ sớm chấm dứt bằng một giải pháp ngoài tòa án.
Ông Gitu wa Kahengeri là phát ngôn viên của Hiệp hội Cựu chiến binh Mau Mau.
“Họ đã đề nghị thương thuyết ngoài tòa án. Chúng tôi đã đồng ý. Và việc này tùy thuộc họ đưa ra những đề nghị gì.”
Năm nạn nhân bị tra tấn, đầu tiên đệ đơn kiện Bộ Ngoại giao Anh vào năm 2009, yêu cầu được bồi thường tài chánh và một lời xin lỗi chính thức. Một nguyên đơn từ trần và một người khác lâm bệnh.
Ông George Morara đang lo vụ này tại Ủy ban Nhân quyền Kenya: “Ước muốn của chúng tôi luôn luôn là mong kết thúc nhanh chóng vụ này vì tuổi tác và bệnh tật của những người liên hệ, nam cũng như nữ. Do đó việc này cần được giải quyết càng sớm càng tốt.”
Sau khi Kenya giành được độc lập vào năm 1963, Mau Mau bị chính phủ mới chính thức liệt kê là một tổ chức khủng bố và bị đặt ra bên lề xã hội. Vào năm 2003, Tổng thống Kenya Mwai Kibaki lúc đó, cuối cùng đã bỏ lệnh cấm Mau Mau.
Ít lâu sau, các sử gia nghiên cứu về Mau Mau phát hiện một thư khố bí mật của thời thuộc địa ghi chép các sự kiện theo đó chính phủ thuộc địa đã dùng tra tấn để đàn áp phong trào Mau Mau. Câu chuyện của những người lớn tuổi Kenya có chỗ dựa mới.
Dù vụ kiện chỉ còn có 3 nguyên đơn tồn tại, ông Morara tin rằng có hàng ngàn người khác nữa đủ điều kiện được bồi thường.
“Chúng tôi hy vọng là bất cứ những cuộc thương thuyết hay thảo luận nào sẽ để ý đến những người nam cũng như nữ rơi vào trường hợp rộng rãi được đặt ra trong 3 vụ kiện thí điểm này tại London.”
Ông Wambogo Nyingi là một trong những nguyên đơn lúc đầu tiên.
Ông Nyingi sống sót trong vụ tàn sát Hola, nơi 11 người đàn ông bị bảo vệ đánh chết tại một trại giam Mau Mau vào năm 1959.
Ông nói: “Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp vì chính phủ Anh thân thiện và không có vấn đề gì với người dân Kenya.”
Việc giải quyết về trường hợp Mau Mau sẽ tạo ra tiền lệ pháp lý. Tại các cựu thuộc địa của đế quốc Anh, những người Ấn Độ, Malaysia, Síp và Guyane đã đệ đơn kiện tương tự đòi bồi thường về những bạo hành trong thời kỳ thuộc địa.