Hồi tuần trước, quốc hội của đảo quốc Địa Trung Hải này đã bác bỏ với đa số áp đảo về thuế suất áp dụng cho tất cả các khoản ký thác, kể cả các tài khoản không được bảo hiểm tại những ngân hàng gặp khó khăn. Các ngân hàng này đã thua lỗ khi đầu tư trái phiếu của Hy Lạp vốn bị giảm giá để giúp chính phủ Hy Lạp giải quyết những lo âu về tài chính.
Tuy nhiên, sau lời đe dọa của Ngân hàng Trung ương Châu Âu là sẽ cắt khoản trợ giúp khẩn cấp cho các ngân hàng của Síp, cuối cùng chính phủ Síp phải đồng ý vào sáng thứ Hai là đánh thuế những người ký thác các tài khoản trên130.000 đô la không có bảo hiểm. Những người ký thác này có thể bị mất 30 phần trăm hay hơn trong số tiền của họ. Đây là số tiền mà chính phủ Síp nói rằng họ cần để giúp gây quỹ 7,5 tỉ đô la mà các định chế cho vay quốc tế đòi hỏi trước khi họ đồng ý cứu nguy.
Nhưng, đây là lần đầu tiên mà khối 17 quốc gia sử dụng chỉ tệ euro nhắm tới các tài khoản tiết kiệm để giúp chi trả cho kế hoạch cứu nguy. Trong quá khứ, người dân đóng thuế và các nhà đầu tư giữ các trái phiếu để chi trả cho kế hoạch cứu nguy.
Kế hoạch cứu nguy cho đảo Síp là kế hoạch thứ sáu kể từ năm 2010. Hy Lạp đã được cứu nguy hai lần, tổng cộng 309 tỉ đô la, Ireland 87 tỉ đô la, Bồ Đào Nha 100 tỉ đô la, hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha 130 tỉ đô la.