Quan hệ Nga-Mỹ đang xuống cấp
Chính sách ‘bật máy lên lại’ này có mang lại những kết quả cụ thể như một hiệp định kiểm soát võ khí chiến lược quan trọng, giảm con số võ khí hạt nhân tầm xa của cả hai phía.
Moscow cũng cho phép quân đội Hoa Kỳ vận chuyển qua lãnh thổ Nga để ra vào Afghanistan. Và Nga đã bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc để áp đặt các biện pháp chế tài chặt chẽ hơn đối với Iran vì chương trình võ khí hạt nhân.
Nhưng giờ đây, các phân tích gia nói rằng quan hệ giữa hai nước đang xuống cấp trở lại.
Quan hệ Nga - Hoa Kỳ suy sụp
Ông Stephen Jones, chuyên gia Nga tại Trường Đại Học Mount Holyoke nói:
“Rõ ràng là quan hệ giữa hai nước khá tồi tệ vào lúc này và tôi nghĩ chuyện này có liên quan tới việc đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông Putin.”
Ông Putin đắc cử tổng thống hồi tháng Năm để hoán đổi vị trí với ông Dmitri Medvedev.
Bà Rachel Denber, thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói trong suốt 21 năm theo dõi nhân quyền tại Nga bà chưa bao giờ thấy chính quyền trấn áp toàn bộ các tổ chức xã hội dân sự như vậy.
Luật Nga siết lại các tổ chức Xã hội Dân sự
Quốc hội Nga, khống chế bởi đảng Nước Nga Thống Nhất ủng hộ ông Putin, đã thông qua nhiều đạo luật hạn chế nhân quyền. Bà Denber nói rằng, trong số những hạn chế này có cả giới hạn biểu tình, và mở rộng định nghĩa về tội phản quốc, gia tăng việc hạn chế nội dung Internet và kiểm soát chặt chẽ luật lệ về các tổ chức phi chính phủ.
Chính phủ Nga cũng trục xuất USAID, Cơ quan Phát triển Quốc Tế của Hoa Kỳ, cơ quan đã tài trợ cho một số các tổ chức xã hội dân sự có tiếng nhất của Nga như Golos, tổ chức kiểm phiếu độc lập duy nhất tại Moscow, và Memorial, một trong những tổ chức nhân quyền hàng đầu tại nước Nga.
Moscow trả đũa đạo luật Magnitsky
Tại Hoa Kỳ, Hạ Viện đã thông qua một dự luật Magnitsky, đặt theo tên của ông Sergei Magnitsky, một luật sư người Nga qua đời năm 2009, được cho là bị nhà chức trách Nga tra tấn vì đã tố giác âm mưu gian lận thuế lớn nhất trong lịch sử Nga.
Dự luật của Hạ Viện Mỹ đặt những hạn chế trong các giao dịch tài chánh của Nga tại Mỹ và không cấp thị thực nhập cảnh cho người Nga có dính líu tới những vi phạm nhân quyền.
Ông Robert Legvold thuộc Trường Đại Học Columbia nói vì vậy mà chính phủ Moscow đã trả đũa:
“Người Nga coi đó là một loại can thiệp của nước ngoài dưới hình thức xét xử các công dân Nga, hay cáo buộc và rồi kết tội các công dân Nga mà không cần xét xử, và lý luận rằng chính phủ Nga mới có quyền quyết định xử lý vụ việc này như thế nào. Và rồi các nhà làm luật Nga trả đũa bằng cách thông qua một dự luật với đa số rất cao, không cho công dân Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi.”
Trong một dấu hiệu nữa về quan hệ đang xấu đi, các nhà phân tích nói rằng người Nga đã rút chân khỏi thỏa thuận 10 năm chống tội phạm và buôn lậu ma túy với Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ đã rút chân ra khỏi nhóm cộng tác chung về xã hội dân sự.
Chính sách ‘bật máy lên lại’ đang lâm nguy
Nhiều chuyên gia, trong đó có ông Robert Legvold nói rằng việc trấn áp xã hội dân sự của ông Putin sẽ có tác dụng tiêu cực đối với quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga:
“Các biện pháp này rõ ràng là đi ngược lại các vấn đề trung tâm mà hai nước phải đối phó: võ khí hạt nhân, cấm phổ biến võ khí hạt nhân, Iran, Mùa Xuân Ả Rập, cuộc chiến tại Afghanistan, vân vân.”
Ông Legvold mô tả mối quan hệ Mỹ - Nga trong mấy tháng sắp tới là “không thể tiên đoán được.”
Ông nói việc đó sẽ tùy thuộc vào tình hình, liệu hai nước có thể chấm dứt chuyện “nói xấu sau lưng” để tập trung vào chuyện tái lập quan hệ theo đúng hướng hay không.