Pakistan cam kết theo đuổi cuộc đối thoại với Ấn Độ
Các nhà lãnh đạo Pakistan đã dùng “Ngày Đoàn kết Kashmir” để lập lại sự ủng hộ cho quyền tự quyết của khu vực có tranh chấp này. Sự ủng hộ này phù hợp với các nghị quyết của Liên hiệp quốc đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ở Kashmir về vấn đề khu vực này nên thuộc về Ấn Độ hay thuộc về Pakistan.
Chính phủ Pakistan đã cử hành một phút mặc niệm dành cho hàng vạn người thiệt mạng kể từ khi một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo bùng ra năm 1989 ở vùng Kashmir thuộc Ấn.
Các giới chức Ấn Độ nói rằng ngày lễ của Pakistan là một thủ đoạn tuyên truyền và tố cáo Islamabad hỗ trợ cho cuộc nổi dậy đòi ly khai của người Hồi giáo ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Pakistan bác bỏ tố cáo vừa kể.
Vụ giao tranh ở Kashmir hồi tháng trước là vụ bạo động tệ hại nhất kể từ khi năm 2003, khi hai nước đồng ý ngưng bắn dọc theo biên giới có tranh chấp được gọi là Lằn ranh Kiểm soát. Những vụ đụng độ ở biên giới gây tử vong cho 3 binh sĩ Pakistan trong lúc New Dehli tố cáo binh sĩ Pakistan chặt đầu một quân nhân Ấn Độ. Islamabad gọi những tố cáo đó là có mục đích tuyên truyền và cho rằng Ấn Độ đã vi phạm lệnh ngưng bắn.
Ngoại trưởng Pakistan, bà Hina Rabbani Khar, nói rằng những mối căng thẳng hiện nay không do Pakistan gây ra và Islamabad có quyết tâm theo đuổi tiến trình đối thoại để bình thường hóa quan hệ với New Dehli.
Bà Khar nói: "Pakistan luôn luôn đi theo con đường này. Pakistan không hề hô hào cho chiến tranh hay là cho căng thẳng leo thang. Chúng tôi lúc nào cũng tuân thủ cam kết đối với tiến trình đối thoại để bình thường hóa quan hệ với Ấn Độ. Chúng tôi luôn luôn hành động theo đúng những gì chúng tôi đã tuyên bố về vấn đề này.
Tuy các mối căng thẳng quân sự ở Kashmir đã giảm bớt, những người chỉ trích như nhà báo độc lập Ấn Độ Amit Baruah hối thúc đôi bên thực hiện những bước tiến mới để tăng cường thỏa thuận ngưng bắn.
Ông Baruah nói: "Vẫn chưa có thêm những biện pháp xây dựng lòng tin như sự tiếp xúc giữa các viên chỉ huy trong khu vực, sự tiếp xúc giữa hai quân đội. Tôi nghĩ rằng đã tới lúc cần phải thiết lập một cơ chế vững mạnh của các biện pháp xây dựng lòng tin ở Kashmir ngõ hầu những vụ việc như vụ việc xảy ra hồi gần đây ở Lằn ranh Kiểm soát sẽ không tái diễn."
Cuộc ngưng bắn mà Ấn Độ và Pakistan ký kết cách nay 9 năm đã mang lại một sự cải thiện đáng kể trong các mối liên hệ thương mại, du hành và văn hóa.
Theo ước tính, thương mại giữa hai nước đã tăng 9 lần, lên tới gần 3 tỉ đô la. Theo dự liệu, quan hệ thương mại song phương sẽ gia tăng thêm nữa sau khi một số hiệp định quan trọng được ký kết hồi năm ngoái, trong đó có một thỏa thuận chưa từng có trước đây để nới lỏng những hạn chế về thị thực nhập cảnh.
Tuy nhiên, những vụ đụng độ mới đây ở Kashmir đã làm cho tiến trình này chậm lại. Pakistan đã hứa sẽ dành cho Ấn Độ qui chế tối huệ quốc vào cuối năm 2012, nhưng họ đã hoãn lại việc loan báo sau khi xảy ra những mối căng thẳng quân sự và vì áp lực của các đảng Hồi giáo và những chính khách bảo thủ.
Ông Amit Baruah tin rằng nếu biên giới Kashmir tiếp tục yên tĩnh thì có nhiều hy vọng là tiến trình hòa bình sẽ được gia tốc trở lại.
Ông Baruah nói: "Có những thành phần cứng rắn ở cả đôi bên và những thành phần cứng rắn đó không muốn tiến trình này được tiếp tục. Nhưng tôi cảm thấy rằng đây là một tiến trình không thể né tránh, và tôi nghĩ rằng sớm muộn gì thì những người có tinh thần vụ thực cũng thắng trong cuộc chiến ý thức hệ giữa phe cứng rắn với phe ôn hòa hay phe thực tế."
Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ vùng Kashmir. Nhưng một số tổ chức ở Kashmir, và thậm chí những người chỉ trích chính phủ Pakistan như nhà tranh đấu hòa bình Tahira Abdullah, muốn cho khu vực này được độc lập hoàn toàn.
Ông Abdullah nói: "Nếu họ muốn tự do thì hãy để cho họ được tự do. Vấn đề Kashmir không phải là vấn đề kiểm soát lãnh thổ hay là một cuộc chiến về nước đối với hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan thiếu nước. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề giữa những con người ở hai bên biên giới. Đây là vấn đề giữa gia đình bị chia cắt ở hai bên biên giới. Nó dính líu tới những chính sách hạn chế thị thực nhập cảnh ở cả hai bên."
Trong những năm gần đây Ấn Độ và Pakistan đã thực hiện những dịch vụ xe buýt xuyên biên giới và cho phép dân chúng mua bán với nhau. Nhưng những khách lữ hành than phiền rằng những biện pháp hạn chế nghiêm nhặt về visa mà cả hai chính phủ áp dụng đã làm cho họ ngần ngại không muốn thực hiện các chuyến đi.