Hai nhà thơ ở Mỹ nhớ nhạc sĩ Phạm Duy
Cung Trầm Tưởng, Saint Paul, Minnesota
Từ Saint Paul, thủ phủ của tiểu bang Minnesota Hoa Kỳ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng, người có nhiều bài được Phạm Duy phổ nhạc; trong đó có Tiễn Em, Mùa Thu Paris…nhớ lại thời gian trước 1975:
“Khi còn ở Việt Nam tôi có nhiều sinh hoạt văn nghệ với anh Phạm Duy, và nhất là chiều chiều chúng tôi hay ngồi ở La Pagode, nơi tụ tập của văn nghệ sĩ, chính trị gia, doanh nhân Việt Nam Cộng Hòa.”
Về tính tình của Phạm Duy, nhà thơ Cung Trầm Tưởng cho biết:
“Anh Phạm Duy có tài lắm, có nhiều người nói anh kiêu ngạo, nhưng anh rất khiêm tốn với những người bạn thân thiết, trong đó may mắn có tôi.”
Khi nhà thơ sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1993, nhạc sĩ đích thân đến thăm. Từ khi nhạc sĩ về Việt Nam thì hầu như Tết nào cũng gọi điện thoại chúc Tết thi sĩ. Tháng 7 năm ngoái, khi nhà thơ ra mắt tập thơ ở Nam Cali thì từ Việt Nam nhạc cũng gọi điện thoại sang chúc mừng ngay trong buổi ra mắt sách:
“Tôi không ngạc nhiên nhưng tôi xúc động vô cùng bởi ở ngoài đời, anh Phạm Duy với tôi là hai người bạn chung thủy về mặt tình cảm. Riêng cá nhân tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với anh, đặc biệt nhờ anh phổ nhạc thơ của tôi mà tên tuổi của tôi được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam và các nước.
Cách đây 20 năm, anh Phạm Duy có đến nhà tôi ở Saint Paul, anh có thổ lộ với nhà tôi và tôi nghe được là như thế này: ‘Chị Tưởng ạ, tôi thế nào cũng phải chết ở quê hương vì tôi thấy mình phải trở về với đất tổ.’
Bây giờ thì ít nhất ý nguyện của anh đã thành đạt.”
Hoàng Song Liêm, Fairfax, Virginia
Nhà thơ cựu Trung tá Không quân Việt Nam Cộng Hòa này nói rằng khi còn làm Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, một vài người con của nhạc sĩ Phạm Duy phục vụ trong ban văn nghệ của ông:
“Tôi có cơ may được biết ba cây cổ thụ của làng âm nhạc Việt Nam, Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, nhưng Phạm Duy là người tôi rất gần, đặc biệt ông đã gửi mấy người con ông vào Không quân; Duy Quang, Duy Minh, và Duy Cường.
Khi nhạc sĩ nói với tôi: "Tôi đẻ chúng nó ra và nay chúng nó nằm trong quyền sinh sát của ông’; tôi bèn trả lời ‘Dạ không, tôi phải dành cho chúng sự chú ý đặc biệt chứ."
Ai cũng phải công nhận Phạm Duy là một thiên tài. Ông sáng tác rất nhanh, đặc biệt trong Không quân, trong những trường hợp tử vong đặc biệt, ông đã sáng tác những bài như Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh, và ông cũng đề nghị với tôi sáng tác một bài riêng cho Không Quân Việt Nam.
Khi tôi về Việt Nam đến thăm ông ở phòng trà Lam Sơn, ông bảo các con ra chào chú Liêm, nói tóm lại tôi với ông cũng như người trong gia đình.
Tôi rất quý mến ông. Nghe tin ông ra đi tôi vẫn còn bàng hoàng mặc dù ông đã trên 90.”