Trung Quốc lo ngại về vụ xung đột ở Miến Ðiện
Khoảng 15.000 người bị thất tán đã tìm nơi trú thân ở khu định cư Laiza miền bắc Miến Ðiện kể từ khi xung đột bắt đầu cách đây 18 tháng. Trong những tuần lễ vừa qua, chính Laisa đã trở thành một khu vực chiến tranh, vào lúc binh sĩ Miến Ðiện dùng không lực và trọng pháo tấn công vào cứ địa của phe nổi dậy.
Cuộc giao tranh đã đến gần biên giới giáp với Trung Quốc, và phe nổi dậy nói một số trọng pháo của quân đội Miến Ðiện đã trúng vào lãnh thổ Trung Quốc. Báo Global Times của Trung Quốc loan tin hôm nay rằng giới hữu trách ở các làng mạc Trung Quốc gần đó đang chuẩn bị cho luồng tỵ nạn đổ vào lên tới 10.000 người.
Ông La Rip, phối hợp viên cơ quan tỵ nạn Kachin, cho biết chưa có thông tin liên lạc với bất kỳ giới chức Trung Quốc nào về việc di chuyển những người bị thất tán vì bạo động.
Ông nói phải dự kiến số người tỵ nạn từ phía đó.Nhưng ông không biết liệu họ có ý định tiếp đón họ hay định cư người tỵ nạn ở Trung Quốc hay không. Và ông không thấy hay nghe nói về cách thức chuẩn bị hoặc họ sẵn sàng ra sao để tiếp đón người tỵ nạn.
Tháng 8 năm ngoái, các giới chức Trung Quốc đã từ chồi hàng ngàn người Kachin tỵ nạn đi tìm nơi an toàn ở Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo hôm nay, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không xác nhận mà cũng không phủ nhận ý định của Trung Quốc tiếp nhận người tỵ nạn.
Người phát ngôn này nói ông hy vọng chính phủ Myanmar có thể xoa dịu căng thẳng qua các cuộc thương nghị ôn hòa với các bên liên hệ, ngăn tránh xung đột leo thang và giải quyềt tranh chấp một cách thích đáng. Ông nói Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp cần thiết để tăng cường kiểm soát biên giới bảo vệ sự an toàn và tài sản cho công dân Trung Quốc ở vùng biên giới.
Kể từ khi bắt đầu xung đột, giao thương xuyên biên giới đã tụt dốc, gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương của tỉnh Vân Nam.
Trong khi các cuộc hòa đàm giữa chính phủ và phe Kachin còn đang tiếp diễn, có nhiều người nghi ngờ về việc có thể đi đến một thỏa thuận. Chuyên gia về Miến Ðiện là ông Bertil Lintner nói tiến trình hòa hình vốn đã không đồng bộ, bởi lẽ các cuộc tấn công bạo động đã tiếp tục trong suốt các cuộc thương nghị.
Theo ông Lintner, không có tiến trình hòa bình thực thụ. Họ chỉ bàn về ngưng bắn và ngưng bắn mà không có giải pháp chính trị không có nghĩa là hòa bình.
Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein, từng đươc tán dương về các nỗ lực cải cách, trên các cơ quan truyền thông hôm thứ sáu đã ca ngợi quân đội về những đóng góp cho tiến trình hòa bình, bất chấp những tin tức về số thương vong dân sự. Hoa Kỳ và các nước tây phương đã bày tỏ sự quan ngại về cuộc chiến và hô hào tất cả các bên tham gia hòa đàm.