Trung Quốc xúc tiến chống tham nhũng nhưng thách thức vẫn cò
Các nhà phân tích nói rằng cách ứng xử đơn giản này chỉ là một phần trong nỗ lực liên tục của ban lãnh đạo mới của Trung Quốc nhằm xoa dịu một trong những sự bất mãn của quần chúng, đó là nạn tham nhũng của các quan chức. Nhưng liệu cách tiếp cận này có xa hoặc lâu đến chừng nào thì hiện nay vẫn chưa biết được.
Bà Flora Sapio, giáo sư môn Luật Trung Quốc tại trường đại học Trung Văn ở Hồng Kông cho biết:
“Vấn đề đặt ra là liệu những lời nói và hành động này mang ý nghĩ như thế nào, liệu ban lãnh đạo Trung Quốc có định thay đổi hay cải cách một cái gì đó, hoặc là họ dùng cụm từ nhạy cảm này để hợp thức hóa nguyên trạng, hoặc dùng vấn đề tham nhũng để giải quyết các xung đột chính trị theo cách không gây bạo động, hoặc tương đối văn minh một chút.”
Các tuyên bố chống tham nhũng
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lâu nay vẫn nói về nhu cầu cấp bách phải giải quyết tham nhũng.
Các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo thường nói rằng tham nhũng đe dọa cho đảng và nhà nước.
Vào năm 2007, nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn so sánh tham nhũng với “một quả bom nổ chậm đang nằm bên trong xã hội.”
Nhưng có lẽ tuyên bố mạnh nhất là tuyên bố xảy ra trước đó, trong thập niên 1990. Khi đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ bảo ông đã chuẩn bị sẵn 100 cỗ quan tài, 99 cỗ dành cho các quan chức tham nhũng, cái cuối cùng là của ông.
Mặc dù đã có những lời tuyên bố như thế, tham nhũng vẫn lan tràn.
Theo cuộc nghiên cứu năm 2007 của ông Bùi Mẫn Hân, trưởng ban Trung Quốc của Viện nghiên cứu Carnegie ở Washington, có đến 10% các món chi tiêu ở Trung Quốc là để dùng cho hối lộ hoặc lót tay, trong khi chưa tới 3% quan chức tham nhũng bị kỷ luật thực sự.
Thủy triều thay đổi, thám tử trên mạng
Tuy nhiên, trong nhiều tuần lễ vừa qua, các cơ quan truyền thông Trung Quốc đưa tin chi tiết về các cuộc điều tra và cách chức nhiều quan chức. Trong nhiều trường hợp, chi tiết của các vụ mờ ám và lạm quyền này được tiết lộ trước, thông qua các trang mạng xã hội.
Nhiều người tin rằng quy trình phơi bày các vụ tham nhũng của quan chức trên các trang mạng xã hội, một cách để gây áp lực buộc nhà chức trách phải điều tra và đã có nhiều người bị mất chức, là một dấu hiệu của tiến bộ.
Nhưng cũng có người lo ngại về chuyện công dân có nên đưa ra những thông tin lẽ ra phải thuộc về tòa án hay không.
Ông Hồ Tinh Đẩu, giáo sư tại trường đại học Công nghệ Bắc Kinh nói rằng khi mà người ta phải sử dụng đến những trang blog để phơi bày những chuyện tham nhũng hoặc những chuyện bê bối thì điều đó chứng tỏ Trung Quốc thiếu sự minh bạch một cách có hệ thống. Ông nói:
“Mặc dù việc sử dụng các trang mạng xã hội như Weibo hoặc các trang blog khác cũng là một cách chống tham nhũng, nhưng đó không phải là cách tiếp cận toàn diện. Điều cần nhất ở đây là Trung Quốc cần tạo một cơ chế chống tham nhũng hiện đại hơn.”
Đảng tự kiểm tra
Tại Trung Quốc, quyền điều tra các đảng viên nằm trong tay Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của đảng, ban này có mặt ở mỗi cấp chính quyền và có mặt ở cả các xí nghiệp quốc doanh lớn.
Mỗi khi nhận được báo cáo tham nhũng, người nhận báo cáo phải chờ có phép của một cấp cao hơn trong đảng thì mới được điều tra đảng viên bị cáo buộc làm điều sai trái. Giáo sư Sapio cho biết:
“Ở đây chúng ta thấy chỉ có một cơ quan trong đảng làm đủ mọi chuyện, từ theo dõi, giám sát, điều tra, và ở một mức nào đó, có thể trừng phạt các vụ tham nhũng. Dĩ nhiên là họ sẽ châm chước, nể nang, có cảm tình nội bộ với nhau. Do đó, ngay từ đầu đã không có sự minh bạch.”
Vì có sự động viên diệt trừ tham nhũng của ban lãnh đạo Trung Quốc, nhiều nhà trí thức tại Trung Quốc đang đóng góp các ý kiến để cải tổ cơ chế hoặc đề xuất những phương cách giúp tăng cường kiểm tra giám sát.
Luật Dương Quang
Một cải cách đang được bàn thảo là ban hành luật “Dương Quang,” ánh sáng mặt trời, buộc các quan chức phải kê khai tài sản.
Giáo sư Sapio nói rằng mặc dù luật này giúp phát hiện các kiểu tham nhũng nhỏ, nhưng có một số yếu tố khiến cho luật này rất khó thi hành:
“Điều gì sẽ xảy ra nếu một người bị phát hiện có tài sản vượt quá mức thu nhập chính thức? Liệu người đó có bị điều tra hình sự ngay tức khắc hay không? Liệu người đó sẽ bị ban kiểm tra của đảng điều tra hay không? Tùy theo cách trả lời cho mỗi câu hỏi trong tương lai, việc kê khai tài sản có thể giúp nhà chức trách lưu ý về một vụ tham nhũng, hoặc nếu không thì nó cũng giúp đảng cộng sản có thêm thông tin về đảng viên của mình.”
Trong lúc ông Tập Cận Bình đi thăm Thâm Quyến, chính quyền tỉnh Quảng Đông loan báo kế hoạch công bố tài sản của quan chức tại 3 huyện. Giáo sư Hồ Tinh Đẩu nhận xét:
“Họ dùng cụm từ ‘công khai hóa,’ là một cụm từ mà trước đây chỉ có nghĩa là khai báo nội bộ mà thôi, chứ không có nghĩa là họ sẽ cho phép các thông tin về tài sản đó được công khai trên báo chí, trên Internet cho mọi người được biết.”
Kể từ năm 2010, các quan chức cấp thấp phải khai báo tài sản cho cấp trên nhưng các tờ khai này không phổ biến cho công chúng.
Một cơ quan độc lập
Ông Nhiệm Kiến Minh, giám đốc trung tâm nghiên cứu chống tham nhũng tại trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh là một trong 8 nhà trí thức mới đây đi gặp ông Vương Kỳ Sơn, người vừa được chỉ định là Trưởng ban chống Tham nhũng.
Ông Nhiệm nói rằng trong cuộc họp này, một số chuyên gia có gợi ý nên cải tiến một số biện pháp kê khai tài sản, nhưng ông nói rằng các biện pháp đó chưa đủ:
“Chúng tôi cần đào sâu hơn nữa để tìm hiểu tại sao các chính sách đã có sẵn trước đây vẫn không ngăn được tham nhũng.”
Trong quan điểm của ông Nhiệm, sở dĩ các chính sách trước đây thất bại là vì thiếu tính độc lập trong cách làm việc của ban kiểm tra:
“Muốn cho một cơ quan hoạt động có hiệu quả , nó cần được độc lập, nó cần có thẩm quyền đầy đủ về công việc và tài chính.”
Nhìn sang bên cạnh
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đang nhìn sang nhà hàng xóm, kể cả Hồng Kông và Singapore, để có thể định hướng cho một cơ chế chống tham nhũng hiệu quả hơn cho mình.
Trong trường hợp của Hồng Kông, chính quyền tại đây đã có một ủy ban đặc biệt từ những năm 1970, khi đó nạn tham nhũng tại Hồng Kông đang lan tràn. Uûy ban này có kinh phí đầy đủ và hoàn toàn độc lập để thực hiện các cuộc điều tra, kết quả đã đưa Hồng Kông trở thành một trong những nơi ít tham nhũng nhất thế giới.
Nhưng tại Trung Quốc, nơi mà đảng Cộng sản nắm tất cả công an, tòa án, và cả chính quyền nữa, nếu một ủy ban như vậy được lập ra sẽ bị coi là một đe dọa cho sự tồn vong của đảng.
Một số người tại Trung Quốc nói rằng mặc dù họ tin là ban lãnh đạo mới có quyết tâm thay đổi, nếu muốn trở thành hiện thực, công tác chống tham nhũng phải tùy thuộc vào một điều gì khác hơn là những cá nhân có quyết tâm cao.