Libăng muốn khống chế sự lan tỏa của cuộc nội chiến Syria
Quân đội Libăng hôm thứ Hai đã tìm cách áp dụng thiết quân luật tại thành phố lớn thứ hai của nước này sau khi một vụ bạo động giáo phái từ Syria lan sang khiến 17 người thiệt mạng.
Vụ bạo động xảy ra tại Tripoli sau khi khoảng 20 người tình nguyện Libăng băng sang biên giới để gia nhập vào hàng ngũ của phe nổi dậy Syria, nhưng bị quân đội chính phủ Syria giết chết trong một cuộc phục kích.
Khi xác của những người này được đưa về Tripoli, những người Libăng theo Hồi giáo Sunni đã tấn công người những người thuộc giáo phái Alawite, cáo buộc họ hợp tác với người Syria theo phái Alawite, tức là những người đang kiểm soát quân đội Syria.
Giám đốc Văn phòng Trung đông của tổ chức Carnegie ở Beirut, ông Paul Salem, nói sự căng thẳng này đã xuất hiện trong cuộc chiếm đóng Libăng của Syria kéo dài 30 năm, chấm dứt hồi năm 2005.
Ông Salem nói: "Vẫn còn rất nhiều hận thù kể từ ngày người Syria hiện diện ở Libăng. Rõ ràng là hiện nay người Sunni ở Syria đang tìm cách lật đổ người Alawite, là những người nắm phần lớn quyền hành trong chế độ Assad, và thực tế chẳng may là đảng chính trị chính ở Tripoli có liên hệ mật thiết với tình báo Syria."
Một số đường phố của Tripoli nay xuất hiện những cảnh tượng của một thành phố bị chiến tranh tàn phá giống như bên nước láng giềng Syria và nhiều người bị thương tích trong những cuộc đấu súng và bắn rốc-két giữa các bên thù hằn nhau. Tuy nhiên ông Salem và nhiều nhà phân tích khác tin rằng 15 năm nội chiến Libăng vẫn đang hằn sâu trong trí nhớ của người dân ở đây, và điều này sẽ ngăn không cho Libăng bị lôi kéo vào cuộc nội chiến Syria.
Ông Salem nói tiếp: "Người Alawite đang bị bao vây và rõ ràng là có nguy cơ lớn sẽ xảy ra một cuộc thanh trừng lớn nhơn, nhiều người bị giết hại hơn. Bản thân của vấn đề đó là rất nghiêm trọng, nhưng nó không chuyển biến thành một cuộc chiến giữa người Sunni và Shia tại những nơi khác."
Tại Syria, giao tranh vẫn tiếp diễn ở thủ đô Damascus. Phe nổi dậy đang tìm cách chiếm cứ phi trường quốc tế. Giao tranh dữ dội cũng diễn ra tại hai khu ngoại ô ở phía bắc.
Bên ngoài Aleppo, thành phố đông dân nhất của Syria, phe nổi dậy đã chiếm quyền kiểm soát một căn cứ quan trọng của chính phủ. Video đăng tải trên mạng Internet cho thấy phe nổi dậy chiếm các xe quân sự, trong đó có một chiếc xe tăng.
Hy vọng mong manh về một giải pháp chính trị đã tan vỡ khi Nga, nước ủng hộ chính cho Syria, nói rằng họ không ủng hộ việc yêu cầu Tổng thống Assad từ chức. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov lập lại quan điểm lâu nay của Nga là tương lại chính trị của Syria phải do người Syria định đoạt.
Tuần trước, Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương cảnh báo rằng những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những hoạt động bất thường tại một căn cứ quân sự của Syria, nơi được biết là có tồn trữ vũ khí hóa học.
Ðáp lại, chính phủ Syria đã gởi một văn thư cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon để cảnh báo rằng các đơn vị nổi dậy quá khích có thể chiếm đoạt và sử dụng các loại vũ khí hóa học.
Ông Salem của tổ chức Carnegie tin rằng cảnh báo của Tây phương đủ mạnh để khiến các nhà lãnh đạo Syria không sử dụng vũ khí hóa học.
Ông Salem nhận định rằng: "Tôi không tin là chế độ Syria sẽ sử dụng vũ khí hóa học bởi vì họ hiểu rất rõ rằng đó chính là điểm bùng phát cho hành động can thiệp của Tây phương, hay ít ra thì đó là điều đã được nêu lên như vậy. Và trong hai năm qua họ đã rất cẩn thận để không vượt qua điểm bóp cò của Tây phương. Tọi cũng nghĩ rằng các đồng minh của họ, như Nga, Trung quốc và Iran, chắc chắn đã gây rất nhiều sức ép để đòi họ không được dùng vũ khí hóa học."
Trong lúc quyền kiểm soát của chính phủ Syria dường như bị yếu đi trên lãnh vực quân sự, sự kiểm soát của họ về mặt kinh tế cũng giảm thiểu đáng kể.
Hôm thứ hai vừa qua, một hiệp hội toàn cầu của các tổ chức tài chánh, Viện Tài chánh Quốc tế, ước tính rằng kinh tế Syria sẽ bị co cụm 25% trong năm nay. Họ cũng dự báo rằng toàn bộ lượng dự trữ ngoại hối của nước này sẽ bị cạn kiệt trước cuối năm 2013.