“Xin chào tất cả mọi người. Thật hết sức vinh hạnh cho tôi được có mặt ở đây để tuyên dương tất cả những người lãnh đạo trẻ trên khắp thế giới, những người không những làm thay đổi thế giới, mà còn thay đổi thế giới để trở thành một nơi chốn tốt đẹp hơn…”
Đó là lời cô Agnes Monica, 26 tuổi, một ca sĩ và diễn viên người Indonesia, hôm nay lên sân khấu vì một lý do rất khác.
Cô Agnes là một trong 900 đại biểu cho giới trẻ tham dự một diễn đàn thanh niên trong 3 ngày tổ chức ở đảo nghỉ mát Bali của Indonesia trong tuần này.
Ðược đặt dưới sự điều hành của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, cuộc hội thảo nhắm đem lại cho giới trẻ một tiếng nói, theo ý kiến của giám đốc điều hành Quỹ, Tiến sĩ Babatunde Osotimehin.
Tiếng sĩ Osotimehin nói: “Ðiều mà chúng ta đã làm là giúp các tổ chức phối hợp thanh niên quốc tế xác định nghị trình thảo luận, xác định những gì họ muốn bàn bạc, và chúng tôi hy vọng vào cuối cuộc họp này, họ sẽ xác định tương lai của thế giới và tương lai đó sẽ ra sao.”
Khoảng 43% dân số toàn cầu dưới 25 tuổi, và con số người trẻ tăng nhanh nhất trong thế giới đang phát triển.
Tại Indonesia, hơn 60 triệu người ở độ tuổi trên 20. Tại châu Phi, hơn 70% dân số dưới 30 tuổi.
Trong khi các kinh tế gia khoa trương về lợi ích của một lực lượng lao động đang nẩy nở ở các nước đang phát triển như Indonesia – con số người trẻ thất nghiệp cao hơn bao giờ hết.
“Có căn bản học vấn không hẳn là một kết quả may mắn. Có căn bản học vấn đưa tới một công ăn việc làm, một việc làm trả lương không hẳn được coi như một sự kiện may mắn.”
Đó là lời anh Chernor Bah, một nhà hoạt động trẻ người Sierra Leone, phát biểu tại diễn đàn.
Anh nói đối với nhiều người trẻ tuổi, một căn bản học vấn là điều họ chỉ có thể mơ ước mà thôi. Và ở mức độ quyết định chính sách, giới trẻ dường như không có đại diện.
Nhưng ở diễn đàn Bali thì khác.
Cùng với các nhà quyết định chính sách, hàng trăm người trẻ tuổi từ 150 quốc gia đang bàn về các đề nghị có liên quan đến y tế, giáo dục và quyền sinh sản.
Ðây là ý kiến của anh Chernor về nội dung của diễn đàn tính cho đến giờ này.
Anh Chernor cho biết: “Giới trẻ đã dẫn đầu tiến trình, một cách rất hợp tác những cũng rất cởi mở và chân thành…Tôi nghĩ khi chúng ta kết hợp các tiếng nói của chúng ta và hòa nhập tất cả các nền văn hóa của chúng ta lại, và tất cả các rào cản mà chúng ta thấy và nghe nói đến trên báo chí, ta không thấy thể hiện ở đây. Chúng ta là những người trẻ tuổi muốn sở hữu tương lai của chúng ta, xác định nó và là một thành phần trong tiến trình hình thành nó…”
Các kết quả sẽ được trình bày với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và cứu xét bởi các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc trong việc hoạch định phát triển tương lai.
Nghe thì rất hay về lý thuyết, nhưng có phần chắc sẽ xảy ra hay không?
Anh Chernor Bah hy vọng là có.
“Tôi phải nói rằng tôi lạc quan một cách thận trọng. Tôi đã từng là người hoạt động cho thanh niên về một số vấn đề này v2 đôi khi sau các cuộc họp đó ta thường nghĩ là ồ, chúng ta đã trúng mối và kết quả sẽ thể hiện nay mai, nhưng nhiều khi không phải như thế.”
Ðối với những người không thực sự có mặt ở Bali, diễn đàn đã tổ chức một diễn đàn trên mạng gọi là World Café.
Tính đến nay có hơn 2.000 người trẻ tuổi từ 26 quốc gia đã truy cập diễn đàn mạng này.