Page 1 of 1

Một số phản ứng sau hội nghị 6 của đảng Cộng sản Việt Nam

PostPosted: Wed Oct 17, 2012 3:52 pm
by NewsReporter
VOA - Economy

Hôm thứ Hai, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sau 15 ngày họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói “Không thi hành kỷ luật một đồng chí trong Bộ Chính trị,” nhưng nhiều người tin rằng ông muốn ám chỉ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại Hoa Kỳ, nhà phân tích Vũ Tường, giáo sư môn chính trị tại trường đại học Oregon cho biết rõ ràng là các đối thủ của ông Dũng thất bại trong ý định loại ông khỏi quyền lực, nhưng bài nói chuyện của Tổng bí thư Trọng nên được suy diễn là lời cảnh báo cho những người ủng hộ thủ tướng:

“Họ đã cố gắng làm điều đó trước tiên trong Bộ chính trị nhưng không thành công. Họ mang ra trước Trung ương, không thành công. Do đó bây giờ họ tìm cách lái câu chuyện này bằng cách thừa nhận sự thất bại và cố huy động phe nhóm của họ và đánh đi một thông điệp cảnh báo cho phe của thủ tướng.”

​Giáo sư Carl Thayer người Úc cho rằng rất khó có một thay đổi ấn tượng vì thành phần trong Ban chấp hành Trung ương:

“Khoảng 40% người ngồi ở Trung ương là do ông Dũng cơ cấu, đó chỉ là con số ước lượng. Những người này kháng cự chuyện loại bỏ ông Dũng bởi vì như vậy sẽ tạo ra phức tạp. Vấn đề của cơ chế cộng sản này là không có chuyện đứng độc lập, mọi thứ đều tùy thuộc vào Đảng.”

Ông Thayer còn cho rằng dù Thủ tướng vẫn giữ vị trí nhưng quyền lực của ông đã bị ảnh hưởng.

Các nhà kinh tế nói kết quả của Hội nghị 6 là tin tốt cho các nhà đầu tư, có thể họ sẽ tin tưởng hơn, cho rằng cuối cùng thì các cải cách kinh tế sẽ được tiến hành.

Ông Dũng bây giờ đang ở nhiệm kỳ 2 và sẽ ở tuổi nghỉ hưu vào lúc đại hội đảng kế tiếp được triệu tập.

Giáo sư Thayer nói điều này ảnh hưởng đến quyền lực chính trị của ông Dũng, vì mọi người sẽ bớt muốn làm đồng minh với ông:

“Nếu họ tiếp tục bám vào ông Dũng, họ sẽ thấy ông ta là một con vịt què. Ông ta sẽ đủ 65 tuổi vào đại hội tới, giống như Tổng thống Mỹ, ông ta có nhiệm kỳ thứ nhì. Cuối cùng thì quyền lực bắt đầu phai nhạt.”

Nhiều người không đồng ý điểm này. Họ nói rằng ông Dũng rất có thể vẫn còn quyền lực nhưng với một vị trí khác, tổng bí thư chằng hạn.

Các nhà phân tích khác nói rằng sự kèn cựa căng thẳng cao giữa nhóm lãnh đạo đảng là dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi quan hệ giữa đảng và nhà nước.

Giáo sư Vũ Tường ở Oregon nói rằng trong những năm gần đây, nhà nước có nhiều tiền bạc và quyền lực đến độ lãnh đạo đảng như ông Trọng đang mất dần quyền kiểm soát:

“Có một quy trình tự nhiên về cải cách kinh tế khiến cho nhà nước có thêm thế lực, và khiến cho ý thức hệ mà đảng là đại biểu không còn hợp thời nữa.”

Có lẽ phải mất nhiều năm nữa trong tương lai, nhưng các nhà quan sát cho rằng Việt Nam khó tránh được thay đổi, vì cải cách kinh tế làm lu mờ ý thức hệ cộng sản và sự chính thống của đảng.