Page 1 of 1

TQ tưởng niệm cựu hoàng Campuchia, đồng minh quan trọng của

PostPosted: Mon Oct 15, 2012 2:38 pm
by NewsReporter
VOA - Economy

Cái chết của cựu hoàng Norodom Sihanouk đã được các giới chức cao cấp của Trung Quốc chia buồn và tưởng niệm. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gọi ông Sihanouk là một “người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc,” và trên đài truyền hình nhà nước, các giới chức Trung Quốc ca ngợi các quan hệ với cựu hoàng.

Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc kể cả Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, đã ngỏ lời chia buồn cùng bà quả phụ Sihanouk tại thủ đô của Trung Quốc, nơi ông Sihanouk đến trị bịnh từ tháng Giêng năm nay.

Trung Quốc có những quan hệ chính trị và tài chánh mật thiết với Campuchia, và giáo sư môn quan hệ quốc tế Nhậm Hiểu của Trường Đại học Phục Đán ở Thượng Hải nói rằng vị cựu hoàng của Campuchia là một phần quan trọng trong mối quan hệ đó.

Giáo sư Nhậm nói khi ông Sihanouk gặp khó khăn và hiểm nguy, Trung Quốc đã giúp ông và tiếp tục coi ông là nhà lãnh đạo của Campuchia.

Vua Sihanouk, nhân vật mà sự nghiệp chính trị tại Campuchia và trong thời gian sống lưu vong kéo dài gần sáu thập niên, lần đầu tiên viếng thăm Trung Quốc hồi năm 1956.

Tân Hoa Xa, hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc, nói rằng vào lúc đó ông Sihanouk đã phát triển các quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể cả với Thủ tướng Chu Ân Lai và lãnh tụ Cộng Sản Mao Trạch Đông.

Năm 1970, sau cuộc đảo chánh quân sự, Vua  Sihanouk đã đáp phi cơ tới Bắc Kinh. Tại đây, ông Mao Trạch Đông đề nghị ông trở thành đồng minh của Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ.

Giáo sư Nhậm nói rằng Trung Quốc phản đối việc Hoa Kỳ mang chiến tranh tới Việt Nam, và ngoài ra vào thời điểm đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ là kẻ thù của nhau trong chiến tranh lạnh. Từ quan điểm chính trị đó, Trung Quốc ủng hộ ông Shihanouk làm vua xứ Campuchia chống chính phủ Lon Nol, và theo lẽ tự nhiên Trung Quốc phát triển quan hệ hữu nghị vững chắc với ông Sihanouk.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã dành nhiều thời gian hôm thứ Hai để tường thuật về cái chết của cựu hoàng Sihanouk, và về việc Vua Sihanouk coi Trung Quốc như quê hương thứ hai của ông.

Giáo sư môn Quan hệ Đối ngoại thuộc City University, ông Mark Thompson, nói rằng Trung Quốc đã dùng quan hệ của họ với ông Sihanouk, một nhân vật được dân Campuchia yêu mến coi như vị cha già dân tộc, để theo đuổi các mục đích chính trị của Bắc Kinh.

Ông Thompson nói Trung Quốc muốn liên kết với những nhân vật như ông Sihanouk, người đã thu hút sự chú ý của công chúng vì qua không biết bao nhiêu thăng trầm trong sự nghiệp chính trị, vẫn luôn luôn tái xuất hiện trong khi về phần lớn vẫn giữ nguyên uy tín của mình.

Ông Sihanouk dường như luôn có một hình ảnh tốt đẹp dưới mắt mọi người, không bị hoen ố bởi những gì ông đã làm trong quá khứ, như về phe với chế độ Khmer Đỏ.

Ông Thompson nói bằng cách liên kết với một nhân vật như thế, Trung Quốc hy vọng có thể được lây cái uy tín xã hội của cựu hoàng Campuchia một phần nào.”

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Campuchia đã xây dựng được các quan hệ ngày một nồng ấm hơn. Năm 2011, tiền đầu tư của Trung Quốc đổ vào Campuchia đã tăng gấp hơn 10 lần so với tiền đầu tư của Hoa Kỳ, và cũng cao hơn gấp đôi tổng số đầu tư do Trung Quốc đổ vào tất cả các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN.

Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc đã dựa vào sự ủng hộ của Campuchia trong các vụ tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Tại hội nghị thượng đỉnh của khối ASEAN năm nay, Campuchia đã gây trì trệ cho các cuộc đàm phán về vụ tranh chấp biển mới đây giữa Trung Quốc với Philippines, và như thế hầu như đứng hẳn về phe nước láng giềng của họ ở phương bắc.




​​