Cựu Bộ trưởng Tài chánh Mỹ nói về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung
Hai quốc gia chia sẻ nhiều quyền lợi, nhưng cũng khác biệt trên nhiều vấn đề trong đó có thương mại.
Các chuyên gia về chính sách Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm cách cải thiện mối liên hệ giữa hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới này. Mới đây, cựu Bộ trưởng Tài chánh Henry Paulson nói chuyện tại Washington về phúc trình của ông về một đường hướng mới có thể thi hành đối với mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Steve Hadley cũng tham gia cuộc thảo luận.
Cả hai đều phục vụ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Giới truyền thông Trung Quốc cũng được mời tham dự.
Hiện tượng tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc là vấn đề đầu tiên được thảo luận. Các giới chức Trung Quốc tuần trước cho biết tăng trưởng kinh tế từ tháng 4 cho đến tháng 6 ở mức 0,7% và 0,6%, thấp nhất trong hơn ba năm qua.
Kinh tế Trung Quốc cần tăng trưởng cao hơn để tạo ra việc làm cho lực lượng lao động khổng lồ của mình. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất chính hai lần vào tháng 7 để hỗ trợ vay mượn và tăng trưởng kinh tế.
Ông Paulson nói ông nghĩ những biện pháp của chính phủ Trung Quốc để kiểm soát việc vay mượn sẽ thành công trong ngắn hạn.
“Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng 7,5% hoặc 8% trong năm nay.”
Tuy nhiên có những vấn đề kinh tế quan trọng đang chờ đón trong tương lai. Nhiều hoạt động kinh tế Trung Quốc tùy thuộc vào đầu tư của các công ty quốc doanh và công ty nước ngoài.
Ông Hadley nói kinh tế Trung Quốc, GDP của nước này tùy thuộc quá nhiều vào đầu tư:
“Gần 47,8% GDP là đầu tư. Tiêu thụ chỉ chiếm 33%. Và một trong những việc mà cựu bộ trưởng Paulson đưa ra trong phúc trình của ông là Trung Quốc cần phải chuyển từ nền kinh tế tăng trưởng dựa trên đầu tư sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng.”
Chi tiêu của người tiêu thụ hay của cá nhân chiếm khoảng hai phần ba kinh tế Hoa Kỳ.