Page 1 of 1

Tái cơ cấu kinh tế - nghiêm túc hay không?

PostPosted: Wed May 09, 2012 11:16 am
by NewsReporter
VOA - Economy

Tái cấu trúc kinh tế là câu chuyện được nhắc đến nhiều từ khoảng 4 năm trở lại đây và hiện nay đã trở thành một trọng tâm về chính sách kinh tế của nhà nước.
Đề án dài 45 trang viết mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 17 tháng 4 vừa qua có vai trò là một kế hoạch tổng thể của Chính phủ nhằm tái cấu trúc về cơ bản nền kinh tế với mục tiêu giải quyết dứt điểm các khó khăn trong ngắn hạn và đặt nền móng bền vững cho sự phát triển trong trung và dài hạn.
Đáng tiếc là đề án này có vẻ như là một sản phẩm thiếu nghiêm túc và ngay từ đầu đã có cách tiếp cận không đúng.
Thiếu nghiêm túc ở chỗ những người đọc đề án này không khỏi có cảm giác rằng nó là một sản phẩm chắp vá, lắp ghép từ nhiều bài viết cũ và sự lắp ghép này là rất vụng về. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh của trường Fulbright cũng cho rằng “đề án này được tổng hợp từ các đề án bộ phận, mà các đề án bộ phận đều được thực hiện khá vội vàng, trước sức ép cấp bách phải hành động của Chính phủ”. Theo Tiến sĩ Tự Anh, Chính phủ yêu cầu bốn đơn vị, bao gồm Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hang Nhà nước, và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển Doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị ba đề án chỉ trong vòng hai tháng.
Hai tháng tuy không phải là thời gian dài, nhưng cũng không phải quá ngắn.Thế nhưng sản phẩm được công bố lại là một báo cáo có quá nhiều lỗi ngữ pháp và văn phạm, ngay cả tên một số đề mục cũng viết sai. Có vẻ như báo cáo này được chuẩn bị không tuân theo bất cứ một chuẩn mực văn phạm tối thiểu nào.
Cấu trúc của đề án rất lủng củng và nhiều phần hầu như không ăn nhập gì với nhau.Phần nói về thực trạng, bao gồm cả các yếu kém, viết khá dài, nhưng phần nguyên nhân của các yếu kém này lại chưa tới một trang giấy.Một đề án nhằm tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế nhưng không dựa trên việc phân tích thấu đáo các nguyên nhân dẫn đến việc phải tái cơ cấu thì cũng sẽ không thể đưa ra được các giải pháp thấu đáo để loại bỏ các nguyên nhân này.
Có quá nhiều tầng, nấc khác nhau khiến người đọc không khỏi có cảm giác những người soạn báo cáo không nắm vững vấn đề và vì thế trình bày một cách hết sức lan man. Riêng phần nói về tái cơ cấu (“TCC”), có hàng loạt các “layers” như mục tiêu của TCC, quan điểm chỉ đạo TCC, nội dung của TCC, định hướng của TCC, điều kiện tiền đề của TCC, và giải pháp để TCC.
Trong khi đó, về thực chất, báo cáo này đáng lẽ ra phải có một phần phân tích thật sâu các nguyên nhân dẫn tới các yếu kém nội tại. Từ đó, đề ra các nội dung chính cần phải tái cơ cấu, và các giải pháp cụ thể để triển khai các nội dung này.
Về nội dung của chương trình tái cơ cấu, báo cáo này đưa ra 5 nội dung, trong đó chủ yếu là 3 nội dung đã được Trung Ương Đảng và Chính phủ đưa ra từ năm ngoái. Năm nội dung tái cơ cấu hướng vào (1) các tổ chức tín dụng (chủ yếu là các ngân hàng thương mại), (2) thị trường chứng khoán và các định chế tài chính, (3) hệ thống doanh nghiệp nhà nước, (4) đầu tư (chủ yếu là đầu tư công), và (5) kinh tế ngành và kinh tế vùng.
Để thực hiện 5 nội dung này, báo cáo đưa ra tới 13 giải pháp, phần lớn là rất lan man và không tập trung vào các nội dung tái cơ cấu ở trên. Có vẻ như đây là hai phần viết của hai tác giả hoàn toàn khác nhau và không hề phối hợp làm việc với nhau để có một sản phẩm ăn khớp. Thí dụ, không hề có một giải pháp cụ thể nào được đưa ra cho nội dung tái cơ cấu (1) và (2) ngoài 1 dòng nhắc đến quyết định 254/2012-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có 3 giải pháp trực tiếp liên quan đến 3 nội dung còn lại của chương trình tái cơ cấu.Những giải pháp còn lại đều là các giải pháp gián tiếp đưa ra cho có.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.