Daniel Hauer, Gregory Salcido và…

PostTue Feb 06, 2018 9:57 am

VOA - Economy


Cho đến giờ này, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam vẫn chưa quyết định sẽ trừng phạt Daniel Hauer thế nào.


Daniel Hauer, 32 tuổi, công dân Mỹ, đến Việt Nam cư trú năm 2013, kiếm sống bằng việc dạy tiếng Anh ở Hà Nội và nổi tiếng rất nhanh nhờ những video clip dí dỏm, hướng dẫn người Việt phát âm tiếng Anh sao cho đúng, học tiếng Anh sao cho hiệu quả. Hauer được nhiều người Việt gọi một cách thân mật là Dan.


Dan gặp “sự cố” hồi cuối tháng trước, khi chỉ trích những biểu hiện thái quá của một số người Việt trước thành quả mà đội tuyển U23 Việt Nam đã gặt hái tại Giải vô địch U23 châu Á. Cao hứng, Dan lôi cả chuyện nhiều người “thổi” Hoàng Công Vinh lên… Trời, khi xạ thủ này mang về cho Việt Nam chiếc Huy chương Vàng Olympic đầu tiên hồi 2016; nhằm củng cố chứng cứ cho chỉ trích của mình, Dan mang cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào cuộc với những lời lẽ khiến nhiều người nhăn mặt.


Thành thật mà nói, bất kể sống ở đâu, muốn được xem là tử tế, chẳng ai lại dùng lời lẽ, chọn cách thể hiện quan điểm của mình như Dan. Đó là lý do Dan bị chỉ trích kịch liệt. Những ý kiến chỉ trích Dan được nâng cấp rất nhanh. Dan trở thành ngoại nhân dám xúc phạm “thần tượng”, xúc phạm toàn thể dân chúng Việt Nam. Nhiều người đòi dùng tay chân dạy cho Dan một bài học trực tiếp, đòi tống Dan vào tù, đòi trục xuất Dan,… Ở một mặt khác, mức độ dữ dội khiến một số người ái ngại, thậm chí nghi ngờ có phải các “đối thủ” cạnh tranh với Dan về “cơm áo” trên thị trường dạy Anh ngữ đang khai thác sơ hở của Dan để kích động dư luận.


Thế rồi hệ thống công quyền Việt Nam nhập cuộc. Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử mời Dan tới làm việc. Nơi này xác định Dan đã “xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc”, vi phạm Nghị định 174 của chính phủ Việt Nam. Hành vi xúc phạm này có thể khiến Dan mất từ 35 đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên theo Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử thì ông ta chưa xác định mức phạt mà đang theo dõi Dan khắc phục hậu quả thế nào. Nếu Dan thành tâm sám hối, tự xóa những thông tin sai trái, trực tiếp đến xin lỗi gia đình tướng Giáp,… thì tiền phạt sẽ nhẹ.



***



Vào thời điểm mà Dan khiến dư luận tại Việt Nam dậy sóng, ở Mỹ cũng có một giáo viên khiến nhiều người giận sôi sùng sục.


Một học sinh trung học đã bí mật ghi âm bài giảng của Gregory Salcido rồi đem về cho mẹ cậu nghe. Mẹ cậu – vợ một cựu chiến binh – đã chia sẻ đoạn ghi âm bài giảng đó cho vài người bạn nhằm san sẻ sự bất bình của bà. Nghe xong, một trong số họ đưa đoạn ghi âm lên Internet… Vậy là Gregory Salcido thêm một lần nổi tiếng sau vài scandal do những hành động, tuyên bố khác người.


Trong đoạn ghi âm được đưa lên Internet, Salcido, 49 tuổi, giáo viên môn Sử ở trường cấp ba El Rancho, tọa lạc tại thành phố Pico Rivera, hạt Los Angeles, bang California bảo với học sinh rằng, quân đội Mỹ là túi chứa những thành phần thuộc loại “mạt hạng” trong xã hội Mỹ. Sở dĩ thanh niên Mỹ gia nhập quân đội là vì không biết làm gì khác và cả vì không được cha mẹ yêu thương, chăm sóc kỹ lưỡng, thành ra họ không được hướng dẫn theo những con đường khác tốt hơn…


Ở xứ sở mà rất nhiều người sẵn sàng bước ra khỏi hàng, nhường chỗ của mình cho một người mặc quân phục, kín đáo trả tiền thay cho bữa ăn của những người mặc quân phục như một cách bày tỏ sự tri ân, ở xứ sở mà nhiều người tạm gác mọi chuyện, xếp hàng dọc hai bên đường chờ linh cữu một người lính tử trận để tiễn biệt,… thì những điều mà Salcido dạy dỗ học sinh của ông ta tất nhiên là sinh chuyện.


Nhiều người Mỹ chỉ trích Salcido không tiếc lời vì những nhận định sai lệch với thực tế (chỉ có khoảng 30% thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ hội đủ các tiêu chuẩn để gia nhập quân đội Mỹ, 2/3 tổng thống Mỹ từng phục vụ quân đội, thời nào cũng có một số đáng kể dân biểu hạ viện, thượng nghĩ sĩ thượng viện của cả liên bang lẫn các tiểu bang đã từng phục vụ quân đội,…), cố tình lăng mạ quân đội Mỹ và đặc biệt là vì theo họ, Salcido đang đầu độc thế hệ trẻ. Đã có không ít người đòi Học khu El Rancho – nơi giám sát hoạt động của trường trung học El Rancho sa thải Salcido. Bên cạnh đó, do Salcido còn là thành viên Hội đồng thành phố Pico Rivera, một số người đã biểu tình, đòi giải nhiệm Salcido,…


Song đòi là một chuyện còn yêu cầu có được đáp ứng hay không là một chuyện khác. Tin mới nhất cho biết, Học khu El Rancho đã tạm đình chỉ công việc giảng dạy của Salcido thế nhưng tường thuật của báo chí Mỹ cho thấy, lý do chính dường như là vì an ninh của Salcido và trật tự trường học. Cả đại diện Học khu El Rancho lẫn Hội đồng thành phố Pico Rivera chỉ hứa sẽ xem xét cẩn thận, đối chiếu kỹ lưỡng bài giảng gây bão của Salcido với các tiêu chí mà họ buộc phải tuân thủ, trong số này có tự do ngôn luận.


Nếu có thời gian đọc những bình luận về scandal do bài giảng của Salcido tạo ra trên các diễn đàn điện tử và trên mạng xã hội tại Mỹ, ai cũng có thể thấy, những người chỉ trích Salcido lập đi, lập lại rằng Salcido có quyền nói những điều ông ta nghĩ nhưng nêu những nhận định ấy trong trường học là không thể chấp nhận được. Đã có hàng trăm người thách Salcido tranh luận, một bà mẹ tử sĩ thách Salcido tranh luận trước mộ của con bà, một thường dân ủng hộ quân đội thì thách Salcido tranh luận trên Internet. Có cựu chiến binh như Wallace Garneau, viết hẳn một bài trên blog, thách Salcido tranh luận tại hội trường của trung học El Rancho dưới sự chứng kiến của học sinh trong trường.


Garneau bảo rằng, nếu Salcido đúng thì Garneau – từng tình nguyện phục vụ Thủy quân lục chiến Mỹ bốn năm, sau đó tình nguyện phục vụ lục quân Mỹ bốn năm – là một trong những kẻ mạt hạng. Garneau đã có một văn bằng thạc sĩ về quản trị hệ thống thẩm định chất lượng, sắp lấy thêm một văn bằng thạc sĩ nữa. Garneau đã từng quản trị mạng, quản trị thương mại điện tử cho hàng loạt công ty từ vừa đến lớn. Dựa trên bài giảng của Salcido, Garneau đưa ra một loạt chủ đề để Salcido chuẩn bị và nhấn mạnh là sẵn sàng tham gia cuộc tranh luận này bất kỳ lúc nào


Về phía hệ thống công quyền, cảnh sát của quận Los Angeles cho biết, theo yêu cầu của Salcido, họ đã cử cảnh sát tới nhà Salcido để bảo vệ ông ta và gia đình ông ta. Cựu chiến binh chiếm tỉ lệ đáng kể trong lực lượng thực thi pháp luật ở tất cả các cấp tại Mỹ nên trong số những cảnh sát luân phiên bảo vệ Salcido, thế nào cũng có cựu chiến binh. Thích hay ghét là một chuyện còn tôn trọng các quyền căn bản của con người là một chuyện khác. Chuyện sau quan trọng hơn chuyện trước.



***



Nhiều người Mỹ yêu quý và tự hào về quân đội của họ nhưng cũng có những người Mỹ vì lý do tín ngưỡng, thù chiến tranh và ghét những người mặc áo lính. Thỉnh thoảng, giữa hàng người dài dằng dặc, đứng dọc hai bên các con đường để tiễn biệt một người lính Mỹ đền nợ nước, vẫn có vài nhóm nhỏ giơ cao các bảng, biển kiểu như cám ơn Thượng đế vì có thêm lính Mỹ tử trận. Nhũng hành động kiểu đó tuy khiến nhiều người Mỹ nổi giận nhưng nổi giận là một chuyện còn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do bày tỏ ý kiến lại là chuyện khác. Suy nghĩ, hành động bất kính của một nhóm dù nhỏ thì đa số cũng không thể phủ nhận hay ngăn chặn.


Hình như đấy là lý do Patriot Guard (bảo vệ tinh thần ái quốc) xuất hiện. Chẳng hiểu tại sao đa số thành viên của Patriot Guard lại là dân chơi mô tô. Chẳng hiểu tại sao trong mắt dân Mỹ dân chơi mô tô là một thứ “dân chơi” đáng gờm. “Dân chơi” thì ở đâu cũng thích chơi ẩu, song có một chuyện mà lúc nào Patriot Guard cũng chơi rất đàng hoàng: Hỗ trợ quân đội. Gần như chẳng bao giờ Patriot Guard vắng mặt khi thi hài của một quân nhân Mỹ tử trận được đưa về nhà hay đón những thương binh, lính tráng từ chiến trường trở về. Trong những dịp như thế, nếu có nhóm phản đối chiến tranh nào xuất hiện, Patriot Guard sẽ tự động lập hàng rào, tìm cách che hết các bảng, biển để thiên hạ khỏi xốn mắt. Che, chắn cũng phải biết cách, không biết cách, dù ủng hộ quân đội, bảo vệ tinh thần ái quốc, chắc chắn Patriot Guard sẽ bị cảnh sát còng.


Nghe thì vô lý nhưng dân Mỹ có lý lẽ của riêng họ. Có một bài hát mà cả lính Mỹ lẫn những người Mỹ yêu quý và tự hào về quân đội của họ rất thích – bài If I Die Before You Wake (Nếu tôi chết trước khi bạn thức) của Dustin Evan. If I Die Before You Wake là tâm sự của một người lính Mỹ chiến đấu ở bên kia trái đất – nơi mà trời hửng sáng thì ở Mỹ đã là giữa đêm. Anh ta vừa chịu đựng gian nan, đối đầu với nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào, vừa biết rất rõ ở Mỹ có những người không ủng hộ cuộc chiến ấy. Người lính nhấn mạnh là anh ta cũng không thích chiến tranh song anh ta tin rằng, chuyện anh ta làm có giá trị của nó và việc anh ta mất mạng chẳng phải là giá quá cao để thế giới tốt đẹp như Thượng đế muốn.


Tương tự, khi tranh luận với nhau, những người ủng hộ quân đội, thường nhắc những người phản đối chiến tranh rằng, khi bạn mặc một cái áo với những dòng chữ chỉ trích chiến tranh và quân đội, đi loanh quanh với bạn bè thì những người lính vẫn tiếp tục chiến đấu để bạn có quyền mặc cái áo đó.


Dưới quốc hiệu của Mỹ không có “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, dân Mỹ không biến ông tướng hay vận động viên nào của họ thành “thần tượng” bất khả xâm phạm, dân Mỹ cũng không đánh đồng vài cá nhân với quốc thể, vận mệnh quốc gia, văn hóa dân tộc, không chịu xem những cá nhân có ý kiến khác biệt là “tuyên truyền chống nhà nước”, hay “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân”,… trong một xã hội như thế không có nguyên thủ nào ở Mỹ tuyên bố nền dân chủ của họ “gấp vạn lần thiên hạ” thành ra không thể đem Mỹ ra so với Việt Nam.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: Bing [Bot] and 822 guests

cron