WASHINGTON —
Các trợ lý của Tổng thống Donald Trump tiếp tục bảo vệ sự bùng phát những tin nhắn trên Twitter gần đây của ông cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén điện thoại của ông trong tòa tháp Trump trong quá trình diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái. Cựu Tổng thống Obama đã bác bỏ cáo buộc này, và cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia, James Clapper, cũng vậy. Lời buộc tội của ông Trump là bước đi mới nhất trong một thiên tiểu thuyết về những câu hỏi chưa được trả lời về mối liên hệ giữa chiến dịch của ông Trump và Nga trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Hôm thứ 3, Tổng thống Trump đã bất ngờ xuất hiện làm một nhóm khách du lịch tại Nhà Trắng ngạc nhiên trong khi các tour du lịch công cộng được tiếp tục mở lại lần đầu tiên cách đây vài tuần.
Tuy nhiên tại phòng họp báo, người phát ngôn của Tổng thống Trump, Sean Spicer, vẫn tiếp tục bảo vệ vụ tấn công trên Twitter gần đây của Tổng thống cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén điện thoại của ông ta bên trong tòa tháp Trump.
Người phát ngôn của Nhà Trắng được hỏi liệu có bằng chứng gì để hỗ trợ cho tuyên bố của Tổng thống Trump hay không. Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng cách thông minh và thận trọng nhất để giải quyết tình huống này là yêu cầu các ủy ban tình báo của Hạ viện và Thượng viện, những người đang trong quá trình xem xét vấn đề này, để xem xét những rò rỉ thông tin bí mật này và những rò rỉ khác".
Obama đã bác bỏ cáo buộc của ông Trump, và cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cũng đã làm như vậy.
"Không có việc nghe lén điện thoại nào được thực hiện bởi bất kỳ bên nào của cộng đồng tình báo quốc gia trong tòa tháp Trump."
Nhà phân tích Alan Morrison nói rằng ông Trump đã yêu cầu một cuộc điều tra đối với các tuyên bố của ông liên quan đến ông Obama, nhưng còn có rất nhiều câu hỏi về điều đó.
Luật sư Alan Morrison của đại học George Washington nói với VOA:
"Câu hỏi đầu tiên không phải là một câu hỏi pháp lý, đó là một câu hỏi thực tế. Có căn cứ cơ sở nào không? Và cho đến nay, không có cơ sở bằng chứng nào khác ngoài sự nghi ngờ, và nghi ngờ thì không đủ để bắt đầu một cuộc điều tra."
Các ủy ban tình báo của Quốc hội và FBI đã bắt đầu thanh tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga.
Nhưng các thành viên của đảng Dân chủ, bao gồm Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, ủng hộ một cuộc điều tra sâu rộng và độc lập hơn. Thượng nghị sĩ Feinstein:
"Điều cực kỳ quan trọng là người dân Mỹ tin tưởng vào cuộc điều tra này và thậm chí không có sự xung đột về lợi ích hay ảnh hưởng chính trị."
Chuck Grassley, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, nói còn quá sớm để biết được điều gì. Ông nói:
"Có những thời điểm cho những lời khuyên thích hợp, nhưng còn quá sớm để nói gì vào thời điểm này."
Theo chiến lược gia John Feehery của đảng Cuộc hòa, tranh cãi về sự dính líu của Nga đã trở thành một sự phân tán chính trị lớn đối với Nhà Trắng của Tổng thống Trump, cũng như việc Tổng thống tiếp tục sử dụng mạng xã hội Twitter. Chiến lược gia Feehery cho biết:
"Tôi không rõ liệu đây có phải là một phần trong chiến lược được chỉ đạo hay ông ấy là như vậy. Cũng không rõ là ông ấy sẽ bình tĩnh lại hay đây là một điều bình thường mới mà tất cả chúng ta phải thích nghi với nó."
Trong khi đó, Washington sẽ theo dõi chặt chẽ các tuyên bố từ Nhà Trắng của Tổng thống Trump, và từ tài khoản Twitter của Tổng thống.