Liên minh với Philippines chống Trung Quốc: Việt Nam quỳ hay

PostFri Nov 20, 2015 3:01 pm

VOA - Economy

Người dân Việt Nam và Philippines thời gian qua đã thể hiện tình đoàn kết trong khi hai nước cùng bị Trung Quốc 'ức hiếp' trên biển Đông.

Ngày 17/11/2015, Việt Nam đã chính thức “nâng tầm đối tác chiến lược với Philippines” sau một thời gian khá dài nửa kín nửa hở trong chiến thuật “mắt trước mắt sau” với Trung Quốc.


Thỏa thuận đối tác chiến lược trên được ký kết bên lề hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Manila, tức chỉ vài tuần sau chuyến công du của Tập Cận Bình đến Hà Nội khiến dấy lên dư luận “chỉ mời Dũng không mời Trọng”.


Một năm câm nín


Hãy nhớ lại, vào giữa năm 2014 khi nổ ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 lao vào Biển Đông như một hành động khủng bố và quan hệ Việt - Trung chìm sâu nhất trong nhiều thập niên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một chuyến đi được giới quan sát xem là “đặc biệt” tới Manila. Trước sự hiện diện của Tổng thống Benigno Aquino, ông Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông là “đặc biệt nguy hiểm”.


Nhưng vào thời điểm đó, không phải Việt Nam mà chính Philippines đã gợi ý về “đối tác chiến lược” - có thể hiểu như một liên minh quân sự đối phó với dã tâm lộ rõ của con sói Trung Quốc.


Song Thủ tướng Dũng đã im lặng.


Sau khi trở về Việt Nam và trong lúc mối tình Việt - Trung vẫn ồn ào gấu ó, nhiều người chờ đợi ông Dũng “giương cao ngọn cờ thoát Trung” theo cách “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” mà ông đã “bùng nổ” trong thông điệp thủ tướng đầu năm 2014. Nhưng sau cụm ẩn ngữ về “hữu nghị viển vông”, Thủ tướng Dũng không chịu hé miệng thêm.


Trong khi đó, Bộ Chính trị Việt Nam - nghe nói đã họp nhiều “cuộc” về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines - vẫn chần chừ. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ: ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.


Tình trạng cay đắng đến trơ mắt của nhà nước Việt Nam khi đó là dù họ đã thủ sẵn trong túi chẵn một chục đối tác chiến lược, kể cả “đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc” và “người bạn Nga truyền thống”, nhưng không một bàn tay nào chìa ra cho Việt Nam với tư cách đồng minh.


Nhưng hiện thực ngược ngạo là không phải “láng giềng gần” mà chính những “bà con xa” như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7/2014, khi Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam Phạm Quang Nghị bất chợt lấp ló ở Washington như một kiểu diện kiến giới chính khách Mỹ và cũng bắt đầu ấp úng thổ lộ “tăng cường mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước”, Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng Trung Quốc. 


‘Bắt Trung Quốc’


Tính đến nay, sau hơn một năm kể từ giữa năm 2014, người Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên hiệp quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc.


Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích dồn qua thời gian. Vào tháng Tám năm ngoái, với quyết định “bắt Trung Quốc”, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng “kiện Trung Quốc” của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội.


Ngày 5/08/2014, 12 ngư dân Trung Quốc bị tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines. Đây là khu vực được tổ chức văn hóa Liên hiệp quốc là UNESCO xếp hạng di sản thế giới.


Vịnh Hạ Long của Việt Nam chắc chắn còn hơn cả di sản văn hóa thế giới, nếu so với bãi san hô Tubbataha nằm ở phía Tây quần đảo Philippines, địa chỉ mà 12 ngư dân Trung Quốc nói trên bị bắt hồi tháng 4/2013. Thế nhưng Quảng Ninh lại luôn là một trong những vùng mà tàu cá Trung Quốc xâm nhập nhiều nhất. Thậm chí vào đầu tháng 6/2014 và trùng với hình ảnh giàn khoan HD 981 lừng lững ngự trị ngay trước mũi Bộ Chính trị Hà Nội, một tàu cá của ngư dân Quảng Ninh đã bị “tàu lạ” đâm chìm, khiến 3 ngư dân Việt bị thương nặng.


Song điều đáng phẫn nộ là những người viết báo nhà nước và độc giả cả hai lề vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ “tàu lạ” mà không thoát nổi cơn nghẹn họng. Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.


Hoàn toàn trái ngược vào thời gian đó, sự thể dồn lên vai Nhà nước Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Danh thể tối thiểu ấy càng bị thách thức từ ngày 1/8/2014, khi Trung Quốc đã phát lệnh cho hàng chục ngàn tàu cá đóng vỏ sắt và trang bị hiện đại tràn vào Biển Đông - một động tác “thọc tay vào túi quần” người Việt Nam.


Thế nhưng sau khi giàn khoan HD 981 rút khỏi Biển Đông, không khí “kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” đã dần lịm tăm. Còn cho tới nay, những tin tức về ngư dân Việt Nam phá sản lan truyền khắp nơi. Không một vũ khí trong tay và còn chưa được vay vốn lãi suất thấp để đóng tàu vỏ sắt như lời hươu vượn của giới quan chức cao cấp lẫn các đại gia ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều gia đình ngư dân Việt đang phải bó gối nhìn tôm cá lũ lượt chui vào lưới tàu Trung Quốc.


Đến lúc này, người ta lại phải tự hỏi: Quân chủng Hải quân của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đầy “dũng khí bám bờ” như thế nào, trong lúc đồng bào ngư dân của họ vẫn phải kiên trì bám biển…


Quỳ hay đứng?


Khác hẳn thế dám đứng dậy của người Philippines, một năm sau vụ giàn khoan HD 981, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.


Không khí duy nhất có vẻ triển vọng hơn là xu hướng “giãn Trung” đang dần xuất hiện trong Bộ Chính trị đảng. Thậm chí sau chuyến đi của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đến Washington vào tháng 7/2015, nghe nói một quan chức cao cấp của Việt Nam còn dám nói ngoài hành lang “đi với Trung Quốc là tự sát”.


Cần nhắc lại, chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam, Tập đã tung hê “Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”. Khó có thể hiểu khác hơn, động tác này giống như một cái tát đối với Quốc hội Việt Nam, địa chỉ đã mời Tập Cận Bình đến diễn thuyết nhưng bị giới trí thức Việt coi là hình ảnh “rước giặc vào nhà”.


Còn hơn cái tát, hành động của giới công an đàn áp dữ dội cuộc biểu tình ôn hòa của người dân phản đối Tập Cận Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 11/2015 càng rõ như ban ngày về những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”.


Diễn đàn APEC năm nay được tổ chức tại Manila vào nửa cuối tháng 11. Lần này, không phải Thủ tướng Dũng, mà là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự.


Muộn còn hơn không bao giờ. Nếu không thể dứt khoát được quan điểm và hành động mau chóng xa rời Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải chứng kiến một cái chết chắc chắn của dân tộc và của chính họ trong tương lai rất gần.


Sau cái tát của Tập Cận Bình trong khán phòng Quốc hội Việt Nam, rất nhiều người đang chờ đợi xem thế đứng của ông Sang sẽ biểu hiện như thế nào sau “đối tác chiến lược” với Philippines. 


* Blog của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: Google [Bot] and 836 guests

cron