Trong năm ngoái, Ai Cập đã được giới truyền thông mô tả là “bị phân cực,” với những người ủng hộ của quân đội về một phe và những người ủng hộ Huynh Đệ Hồi Giáo về phe bên kia.
Tuần này đánh dấu chiến thắng cuối cùng cho quân đội, với nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Fattah el-Sissi, có hy vọng rộng rãi sẽ là Tổng thống tân cử.
Huynh Đệ Hồi Giáo, đảng Hồi Giáo của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi, giờ đây bị cấm hoạt động vì bị coi như là “một tổ chức khủng bố.”
Ông Wael Eskandar, một nhà viết blog của Ai Cập, tập trung vào nhân quyền và chính trị. Ông nói rằng, chế độ cai trị của ông Morsi bị mất lòng dân một cách sâu xa và theo ông, công chúng không tha thứ cho Huynh Đệ Hồi Giáo. Ông nói:
“Hiện nay Huynh Đệ Hồi Giáo vẫn còn bị công chúng Ai Cập bác bỏ bởi vì đảng này vẫn còn là mối đe dọa cho bản chất của chính nhân dân Ai Cập. Đảng này đã sử dụng thời gian họ nắm quyền một cách thật khủng khiếp – không mang lại một chút thay đổi nào.”
Ông Eskandar nói rằng để Huynh Đệ Hồi Giáo có thể vẫn còn được thích hợp, thì trước hết họ cần phải lấy lại được niềm tin của công chúng. Ông nói rằng trong không khí chính trị hiện nay, việc này phần lớn tùy thuộc vào sự thất bại hay sự thành công của chính phủ mới trong hai khu vực chính.
Ông nói rằng, nếu chính phủ mới thất bại trong lãnh vực cứu nguy nền kinh tế Ai Cập hay tôn trọng nhân quyền, công chúng có thể quay lại trông đợi sự ủng hộ của Huynh Đệ Hồi Giáo:
“Sẽ phải có sự thất bại của nhà nước để công chúng có cảm tình với Huynh đệ Hồi Giáo về phương diện chính trị, bởi vì Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ là phe đối lập để công chúng quay sang hầu khi bị cảnh sát bắt hay tấn công, mà họ không thể có những gì thích đáng cho họ là công lý, theo đường lối luật pháp.”
Dưới chế độ cai trị của ông Sissi, hằng ngàn thành viên Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị giết hay bị cầm tù. Các tổ chức đối lập liên kết với Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị cấm, các nhà báo bị cầm tù và các cuộc biểu tình phản đối bị hạn chế chặt chẽ.
Ông Mohammad Othman là một thành viên của ủy ban trung ương đảng Ai Cập Mạnh, một đảng chính trị không ngả về lập trường của quân đội hay của Huynh Đệ Hồi Giáo.
Ông nói rằng việc trấn áp Huynh Đệ Hồi Giáo cũng tạo khả năng cho tổ chức này. Ngay cả trong trường hợp công chúng không có cảm tình về phương diện chính trị với Huynh Đệ Hồi Giáo, thì họ cũng ngày càng có cảm tình về phương diện cá nhân với Huynh Đệ Hồi Giáo.
Tuy nhiên, các liên minh tại Ai Cập đang chuyển hướng, với đảng Hồi Giáo Al-Nour và các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo Coptic ủng hộ ông Sissi. Đảng Huynh Đệ Hồi Giáo cùng với một số đảng không Hồi Giáo, đã kêu gọi các thành viên tẩy chay cuộc bầu cử này.
Ông Ishak Ibrahim, một nhà khảo cứu chuyên trách các vấn đề tự do tôn giáo cho tổ chức Sáng kiến Ai Cập về Quyền Cá Nhân, nói rằng sự hâm mộ ông Sissi đã tàn dần trong những tháng mới đây. Nhưng ông nói rằng những chia rẽ này có thể giúp củng cố thêm nền tảng quyền lực của ông.
Ông nói rằng mặc dầu các đảng chính trị Hồi Giáo có và sẽ luôn luôn đóng một vai trò trong nền chính trị tại Ai Cập, Huynh đệ Hồi Giáo cũng cần tái tạo hình ảnh của họ nếu muốn có thêm đồng minh.
Hồi năm 2011, các tổ chức hoạt động thanh niên cộng tác với Huynh Đệ Hồi Giáo trong cuộc cách mạng này. Nhưng sau khi thất vọng về chế độ cai trị của ông Morsi, nhiều người hoạt động trẻ bắt đầu ủng hộ ông Sissi. Giờ đây, nhiều người cũng trong các thành phần hoạt động đó đã thay đổi ý kiến và nói họ không ủng hộ quân đội cũng không ủng hộ các đảng Hồi Giáo nữa.