Tuy những người tổ chức biểu tình đe dọa leo thang các hoạt động phản kháng, số người tham gia những vụ xuống đường của phe đối lập đã giảm mạnh trong ngày thứ 5, vài ngày sau khi Thượng viện Thái Lan bác bỏ một dự luật gây tranh cãi về tổng ân xá.
Tại quận tài chánh Silom ở thủ đô Bangkok, hàng vạn người đã tụ tập hồi tuần trước để phản đối việc đảng Pheu Thai đương quyền làm cho Hạ viện vội vã thông qua dự luật tổng ân xá. Nhưng giờ đây chỉ có vài trăm người biểu tình để đòi chính phủ từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Bà Gunn, một nhân viên văn phòng ủng hộ cuộc biểu tình, nói rằng bà muốn chính phủ lắng nghe nguyện vọng của người dân và giải quyết các vấn đề của họ.
Bà Gunn nói rằng dân chúng có bổn phận chống lại dự luật ân xá và những vấn đề khác và chính phủ cần phải lăng nghe chứ không thể muốn làm gì thì làm.
Những người chỉ trích dự luật ân xá tố cáo chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra lạm dụng thế đa số ở Hạ viện sau khi thực hiện những sự sửa đổi vào phút chót cho dự luật vốn có mục đích ân xá cho những người biểu tình cấp thấp trong vụ xung đột chính trị ở Thái Lan trong những năm gần đây.
Những điều khoản sửa đổi đã nới rộng sự ân xá cho những vụ việc xảy ra từ năm 2004 tới nay và bao gồm những vụ án tham nhũng. Nhiều người nói rằng dự luật được sửa đổi đó sẽ giúp cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh của bà Yingluck Shinawatra, có thể về nước và không bị truy tố về tội tham nhũng. Ông Thaksin đã tự ý sống lưu vong từ năm 208 để tránh án tù hai năm về tội tham nhũng.
Các thành viên khác trong chính phủ, kể cả thủ tướng, cũng sẽ không bị điều tra về những vụ tham nhũng liên quan tới các chính sách kinh tế có tính chất dân túy kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.
Giới kinh doanh và các tổ chức xã hội dân sự phản đối dự luật này. Họ cho rằng ân xá như vậy là gây tổn hại cho thể chế pháp trị.
Nhưng nỗ lực của phe đối lập nhằm kéo dài cuộc phản kháng qua việc kêu gọi tổng đình công 3 ngày và thực hiện những hành động bất tuân dân sự đã không nhận được sự ủng hộ của dân chúng.
Ông Suthep Thaugsuban, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập và là người lãnh đạo cuộc biểu tình, cho biết ông định đưa ra lời kêu gọi leo thang những hoạt động phản kháng vào cuối tuần này.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng với một số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã kêu gọi chấm dứt những vụ xuống đường biểu tình trong lúc có những mối lo ngại về thiệt hại cho nền kinh tế. Trong thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bớt đầu tư vào các thị trường tài chánh Thái Lan.
Một số các thành viên Đảng Dân chủ, như cựu thượng nghị sĩ Kraisak Choohavan, cho biết cuộc phản kháng dường như đã mất động năng, và ông e rằng Đảng Dân chủ không tìm ra một giải pháp “hạ cánh mềm” cho vấn đề này.
"Cảm giác của tôi là cuộc phản kháng quả thật đã sắp hết động năng, nhưng vẫn còn đủ sức nóng để có thể tiếp tục thêm vài ngày nữa. Tôi không biết nó có thể kéo dài bao lâu nữa, nhưng tôi cho rằng phe đối lập đã giành được một chiến thắng quan trọng và nó cho thấy họ có được sự ủng hộ. Tôi nghĩ rằng nhượng bộ đôi chút sẽ là lựa chọn tốt nhất."
Ông Gotham Arya, giảng viên Đại học Mahidol, là một nhân vật tranh đấu cho nhân quyền. Ông nói rằng tình hình chính trị Thái Lan vẫn tiếp tục bất ổn.
"Chưa có sự giảm thiểu hay leo thang ngay lúc này, nên tôi không biết chắc tình hình sẽ đi theo chiều hướng nào. Tôi hiểu được sự bực giọc và bất mãn của những người biểu tình. Nhưng mặt khác, tôi không thấy họ đưa ra bất kỳ đề nghị cụ thể nào. Tôi không biết là họ muốn tiếp tục phản kháng và làm cho chính phủ bị sụp đổ bằng cách này hoặc cách này, hay là họ sẽ chấp nhận một kết cuộc nào đó không kịch liệt như thế hay không."
Các nhà phân tích và bình luận chính trị đã kêu gọi phe đối lập chấp nhận một chiến thắng chính trị trước cuộc mít tinh của phe Áo Đỏ mà những người ủng hộ chính phủ dự định tổ chức. Tình hình bất ổn chính trị này đã làm cho mười mấy nước đưa ra lệnh cảnh báo du hành để khuyên công dân của họ không nên tới các địa điểm biểu tình ở Bangkok.