Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam tại bang Tamil Nadu ở miền nam ngày thứ Ba vừa qua đã phát điện bằng cách đưa 160 megawatts điện vào lưới điện địa phương. Trong những tuần lễ tới đây, nhà máy sẽ dần dần chạy hết công suất là 1.000 megawatts để thắp sáng nhà cửa và các hãng xưởng.
Tuy nhiên hy vọng gia tăng công suất của nhà máy điện hạt nhân Kudankulam bị chựng lại vào tháng này trong chuyến đi của Thủ tướng Manmohan Singh đến Moscow.
Những người ủng hộ hy vọng ông sẽ ký một thoả thuận mua thêm 2 lò phản ứng hạt nhân mới, mỗi lò có công suất 1.000 megawatts. Tuy nhiên cuộc thương thuyết bị bế tắc vì luật trách nhiệm hạt nhân khắt khe được thông qua vào năm 2010 dưới áp lực của phe đối lập và các nhà hoạt động.
Các nhà cung cấp nước ngoài lo ngại là luật này không tương xứng với những gánh nặng của các nhà cung cấp công nghệ hạt nhân về khoản tiền bồi thường trong trường hợp xảy ra tai nạn. Các nhà cung cấp cũng nói luật trách nhiệm của Ấn Độ không phù hợp với những chính sách hạt nhân quốc tế.
Dù có sự trì hoãn, các giới chức Ấn Độ tỏ ra lạc quan trong việc nhận được những lò phản ứng từ Nga và hy vọng sẽ san bằng những khác biệt trong những tháng tới.
ÔngG. Balachandran thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng nói Ấn Độ đã cố gắng giải quyết một số lo ngại bằng cách đặt ra một mức giới hạn về trách nhiệm của các nhà cung cấp nước ngoài trong trường hợp có sự cố hạt nhân.
“Khi soạn thảo những luật lệ, họ giới hạn trách nhiệm trong thời hạn 5 năm trong đó quyền đòi bồi thường có thể được hành sử. Không phải vô hạn định. Ấn Độ nói việc này không phải là tiền bồi thường vô giới hạn. Do đó họ giới hạn trách nhiệm bồi thường ở mức 250 triệu đô la trong khoảng thời gian chỉ có 5 năm mà thôi.”
Ấn Độ từ lâu hy vọng điện hạt nhân sẽ là giải đáp của nạn thiếu điện. Thoả thuận quan trọng mà New Delhi đạt được với Hoa Kỳ vào năm 2008 đã gỡ bỏ lệnh cấm buôn bán hạt nhân có từ 3 thập niên qua. Thỏa thuận này, theo dự liệu, sẽ đưa đến chỗ có 150 tỉ đô la được đầu tư vào Ấn Độ trong lãnh vực năng lượng hạt nhân từ các nước như Nga, Pháp và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên cho tới nay chỉ có một ít tiến bộ. Trong tháng qua, Ấn Độ ký một hợp đồng sơ bộ với Công ty Điện lực Westinghouse của Hoa Kỳ để mua các lò phản ứng hạt nhân.
Nhiều nhà phân tích nói rằng luật lệ về trách nhiệm đã cho các cuộc thương lượng bị chậm lại. ÔngBalachandran nói các nhà cung cấp nước ngoài lo ngại là các nước khác có thể viện dẫn tiền lệ của Ấn Độ để mưu tìm những đảm bảo tương tự.
“Đây chỉ là một trở ngại nhỏ mà tôi có thể thấy được đối với vấn đề các công ty nước ngoài nói là họ không muốn việc này trở thành chuẩn mực phổ quát. Bởi vì đó là sự thực, tất cả các quốc gia khác đã thông qua luật không có quyền đòi bồi thường.”
Việc trì hoãn trong lãnh vực hạt nhân là một bước thụt lùi đối với một quốc gia hy vọng gia tăng điện hạt nhân từ dưới 5.000 megawatts lên đến 63.000 megawatts trong vòng 20 năm để rút ngắn cách biệt khổng lồ trong nhu cầu năng lượng.
Có những vấn đề khác bên cạnh luật trách nhiệm. Những quan ngại ngày càng cao giữa các cộng đồng địa phương về tính an toàn của điện hạt nhân sau tai họa Fukushima vào năm 2011 tại Nhật Bản. Dự án Kudankulam đã liên tiếp bị trì hoãn vì những cuộc biểu tình của nghững người sinh sống chung quanh khu vực nhà máy. Nhà máy chỉ sản xuất được điện sau khi Tối cao Pháp viện Ấn Độ ra phán quyết vào tháng 5 năm nay cho rằng nhà máy này an toàn và cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.