Vào ngày đầu khóa họp của Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các nhà lãnh đạo chào đón nhau như những người bạn cũ sau một thời gian xa cách. Nhưng sau đó là lúc dành cho hoạt động ngoại giao.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã mở đầu bằng lời tuyên bố ông sẽ dành 2 năm còn lại của nhiệm kỳ cho hai vấn đề.
“Việc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân và vụ xung đột giữa Ả Rập và Israel. Trong khi không phải là căn do cho tất cả các vấn đề trong khu vực, những vấn đề này đã là một nguồn gốc quan trọng gây bất ổn quá lâu, và giải quyết các vấn đề đó có thể giúp tạo nền tảng cho một nền hòa bình rộng lớn hơn.”
Tổng thống Obama nói việc Mỹ mất niềm tin đối với Iran có “gốc rễ sâu xa” và không thể mau chóng khắc phục, nhưng con đường ngoại giao “phải được thử nghiệm.”
“Song tôi tin rằng nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran thì nó có thể là một bước quan trọng trên con đường dài hướng tới một mối quan hệ khác - một mối quan hệ dựa trên quyền lợi chung và sự tôn trọng lẫn nhau.”
Về cuộc nội chiến Syria, trong đó hơn 100 ngàn người đã thiệt mạng, ông Obama nói một thoả thuận Nga-Mỹ loại trừ vũ khí hóa học của Syria chắc sẽ củng cố cho các nỗ lực tiến tới một giải pháp chính trị.
Sau đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên diễn đàn trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Phát biểu qua một thông dịch viên, ông Rouhani nói Iran sẵn sàng mở các cuộc đàm phán để xây dựng lòng tin về chương trình hạt nhân của họ. Các quốc gia Tây phương tin là chương trình này nhắm mục đích khai triển một vũ khí hạt nhân.
“Các quyền lợi quốc gia của chúng tôi buộc chúng tôi phải loại bỏ bất kỳ và tất cả các mối quan ngại hợp lý về chương trình hạt nhân vì hòa bình của chúng tôi.”
Đã có nhiều người trông đợi các vị tổng thống Rouhani và Obama sẽ gặp nhau bên lề Ðại Hội đồng, nhưng sự kiện này đã không xảy ra. Các giới chức Hoa Kỳ nói phía Iran chưa sẵn sàng cho cuộc gặp.
Ông Rouhani và các nhà lãnh đạo khác, trong đó có Quốc vương Abdullah của Jordan, bày tỏ sự lo ngại về cuộc chiến tranh ở Syria. Jordan đang che chở cho gần 1 triệu người Syria tỵ nạn. Quốc vương Abdullah nói nước ông đang chật vật vì gánh nặng này.
“Ðây không phải chỉ là những con số. Ðây là những người cần thực phẩm, nước uống, nơi trú ẩn, vệ sinh, điện, chăm sóc sức khỏe và nhiều thứ nữa.”
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff dành phần lớn bài phát biểu để đả kích Hoa Kỳ về việc theo dõi các thông tin liên lạc nội bộ của chính phủ bà. Bà nói qua lời một thông dịch viên:
“Quyền được an ninh của công dân một nước không khi nào có thể được bảo đảm bằng cách vi phạm các quyền cơ bản của công dân và con người của một quốc gia khác.”
Các bài phát biểu tiếp tục, cũng như các cuộc họp cấp cao về những vấn đề quan trọng và gây tranh cãi trên khắp thế giới.