Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam, ông Xuân Bắc sang Nam Phi cùng với một đại biểu quốc hội, nhà báo và cán bộ cảnh sát môi trường.
Tại đây, đoàn Việt Nam đã chứng kiến những ảnh hưởng của nạn buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia tại Nam Phi - nơi cung cấp nguồn sừng tê giác chính cho các thị trường tiêu thụ trên thế giới.
Theo kênh truyền hình eNCA, ông Xuân Bắc sẽ dùng truyền thông xã hội cũng như danh tiếng của mình để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề sừng tê giác.
Ông Bắc nói: "Một con tê giác đã bị giết chết. Tất cả những thứ còn lại chỉ là xương và thịt, không còn sừng nữa. Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ tê giác”.
Việt Nam được coi là thị trường lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, về tiêu thụ sừng tê giác.
Nhiều người Việt vẫn còn tin vào khả năng chữa bệnh của sừng tê giác hay vẫn còn coi việc mua sừng tê giác là thể hiện đẳng cấp xã hội.
Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia châu Á khác được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn săn bắt và giết hại tê giác ở Nam Phi.
Hồi tháng Ba, các nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài thương mại đối với Việt Nam vì Hà Nội đã không hành động để chống lại nạn mua bán sừng tê giác.
Cơ quan Điều tra Môi trường, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở ở Washington và London, đã đề nghị như thế tại một hội nghị ở Bangkok sau khi phổ biến một bản phúc trình tố cáo Việt Nam không tuân hành các nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ tê giác.
Nguồn: AP, ENV, eNCA