Thời kỳ ông Nelson Mandela nằm viện hồi tháng 12 lại còn đáng lạc quan hơn vì từ đầu chí cuối các giới chức nói ông sẽ bình phục. Và ông đã bình phục, sau khi qua 18 ngày tại một bệnh viện ở Pretoria vì nhiễm trùng phổi và sạn thận.
18 ngày vừa qua thì lại khác.
Hôm chủ nhật, cựu tổng thống đã rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi qua hơn hai tuần tại một bệnh viện vì nhiễm trùng đường phổi. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từ chối không cho biết nhiều chi tiết mà chỉ nói rằng “nguy kịch có nghĩa là nguy kịch.”
Hôm thứ tư ông Zuma nói ông Mandela vẫn ở trong tình trạng nguy kịch.
Một định nghĩa thông thường của tình trạng nguy kịch của Hiệp hội Bệnh viện Mỹ là: “những dấu hiệu của sự sống bất thường và không ổn định, đương sự có thể bất tỉnh, và các chỉ dấu không thuận lợi.”
Và do đó, Tổng thống Zuma kêu gọi những người ngưỡng mộ lo lắng trên khắp thế giới làm một điều duy nhất: đó là cầu nguyện.
Ông Mandela là một người suốt đời theo một hệ phái Tin lành Giám lý, theo giám mục Ziphozihle Siwa thuộc Giáo hội Tin lành Nam Phi.
Vị giám mục này nói ông đã kêu gọi tất cả mọi người, thuộc mọi tín ngưỡng, cùng với ông cầu nguyện cho ông Mandela.
Giám mục Siwa nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục cầu nguyện cho ông, nhưng điều quan trọng nhất là, thời gian đau ốm này của ông là dịp để chúng ta gợi lại lý tưởng của ông về một thế giới tốt lành hơn và tự hứa với chính mình sẽ là các tác nhân cho thế giới tốt lành hơn ấy, như chính ông đã hiến thân cho lý tưởng đó.”
Giám mục Siwa cũng trích dẫn một đoạn trong Thánh Kinh mà ông nói là đã gợi nhắc ông đến thần tượng chống apacthai, người được ngưỡng mộ vì đã từ bỏ tự do của chính mình bằng cách qua 27 năm trong tù vì chống đối sự cai trị của những nguời da trắng phân biệt chủng tộc.
Giám mục Siwa nói tiếp: “Có một đoạn trong Chương 25 sách Phúc âm Ma-thi-ơ, trong đó chúa Giêsu nói với những người đã cứu giúp những người nhỏ bé, những người đã đáp lại nhu cầu của những người đang chịu đau khổ cách này hay cách khác. Vậy tôi nghĩ rằng đoạn này rất thích hợp vào thời điểm này trong cuộc đời của ông Mandela. Khi ông hiến mình cho tất cả những người đó, khi Chúa Giê-su nói, 'Khi ta đói, các con cho ta ăn, ta bị tù, các con đến thăm viếng ta.' Nói cách khác, khi ta cần, các con giúp ta. Như thế, Chúa vui mừng với những người đã đáp lại theo cách ấy.”
Vị giám mục nói ông đã gặp ông Mandela nhiều lần – và ông vẫn khiêm nhường ngay cả sau khi ông được bầu làm vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi vào năm 1994 và được trao giải Nobel Hòa bình vì cuộc tranh đấu chống Apacthai của ông.
Giám mục Siwa nói: “Ông ấy rất giản dị. Rất dễ thương. Rất thành thực. Ông ấy mở rộng vòng tiếp xúc và đôi khi làm tôi kinh ngạc về cách ông nhớ mọi người – không phải là những người quyền cao chức trọng, mà cách ông ấy nhớ những người bình thường.
Chính những người bình thường ấy hôm nay, trên khắp thế giới, đang thắp những ngọn nến, đọc kinh cầu nguyện và thân ái tưởng nghĩ đến con người đã thay đổi cả đất nước và cùng với đất nước, thay đổi cả thế giới.