Trong ngày được gọi là Ngày Mặt Trời, Bắc Triều Tiên kỷ niệm sinh nhật thứ 101 của ông Kim Il Sung, người sáng lập và là chủ tịch vĩnh cửu của chính phủ Bắc Triều Tiên đã qua đời năm 1994.
Tuy nhiên, họ đã không tổ chức một cuộc diễu binh hay những lễ hội qui mô lớn.
Một điều đáng chú ý hơn nữa là quốc gia bị cô lập này đã không phóng phi đạn đạn đạo hoặc hỏa tiễn như dự kiến trước đó của nhiều người.
Ở phía nam của vùng phi quân sự, chính phủ Nam Triều Tiên đã thuyết phục các nhóm bảo thủ hoãn lại việc thả bong bóng sang miền bắc, trong đó có chứa truyền đơn và những tờ giấy bạc một đô la Mỹ.
Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nhấn mạnh rằng họ tiếp tục cảnh giác về những vụ phóng phi đạn mà miền Bắc có thể thực hiện “vào bất cứ lúc nào”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan Jin nói với quốc hội ở Seoul rằng không có dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị để phát động một cuộc chiến tranh toàn diện.
Từ Bình Nhưỡng, bà Hannah Barraclough, một hướng dẫn viên du lịch của công ty lữ hành Koryo Tours, đã đăng một tin nhắn trên YouTube hồi tối chủ nhật. Bà cho biết “Không có xe tăng. Không có dấu hiệu nào. Những dấu hiệu về việc chuẩn bị cho chiến tranh hiện giờ thật ra còn ít hơn những dấu hiệu mà tôi nhìn thấy hồi tháng 3.”
Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung Se hôm nay cho biết chính phủ ông muốn có những áp lực mạnh mẽ cộng với sự thuyết phục mạnh mẽ để giải tỏa tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Những áp lực mạnh mẽ phát xuất từ những tổ chức như Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chẳng hạn. Áp lực có thể phát xuất từ những nước trong khu vực này của thế giới. Nhưng sự thuyết phục cũng có thể phát xuất từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Đây là lý do tại sao chính phủ chúng tôi do Tổng thống Park lãnh đạo muốn thực hiện tiến trình xây dựng lòng tin. Trong tiến trình xây dựng lòng tin này chúng tôi sẽ thực hiện những hoạt động đối thoại, tiếp xúc và giao lưu.
Hôm nay chính phủ Nam Triều Tiên bày tỏ điều mà họ gọi là “vô cùng đáng tiếc” đối với việc Bắc Triều Tiên thẳng tay bác bỏ đề nghị đối thoại mới nhất của Seoul.
Hôm qua, Bắc Triều Tiên đã bác bỏ đề nghị thảo luận để giải quyết các mối bất đồng giữa hai miền nam bắc, như việc Bình Nhưỡng rút công nhân ra khỏi khu công nghiệp chung Kaesong hồi tuần trước. Họ nói rằng đề nghị của Seoul là “một thủ đoạn gạt gẫm.”
Trong bài diễn văn đọc trước các sinh viên ở Tokyo, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Washington sẵn sàng thực hiện những cuộc thương lượng thật sự và khả tín về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng trước hết thì Bình Nhưỡng phải theo đuổi một đường lối đúng đắn.
Ông Kerry nói: "Bắc Triều Tiên phải thực hiện những bước tiến có ý nghĩa để chứng tỏ là họ sẽ tôn trọng những cam kết mà họ đã đưa ra. Và họ phải tuân thủ pháp luật và những qui phạm quốc tế về hành xử."
Ngoại trưởng Kerry đã tuyên bố như vậy trong lúc chuẩn bị kết thúc những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo ở Seoul, Bắc Kinh và Tokyo. Phần lớn các cuộc thảo luận tập trung vào một loạt những tuyên bố hung hăng mà Bắc Triều Tiên đưa ra trong vài tuần qua.
Bình Nhưỡng đã tuyên bố vô hiệu hóa hiệp định đình chiến năm 1953, dọa tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ, và tuyên bố tình trạng chiến tranh giữa hai miền nam bắc.
Nhiều nhà phân tích cho rằng những luận điệu hiếu chiến này cho thấy Bắc Triều Tiên muốn duy trì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, bất chấp những cái giá phải trả về mặt chính trị và kinh tế.
Bình Nhưỡng hiện đang đối mặt với nhiều biện pháp chế tài của quốc tế vì các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn.
Trong vài tuần qua Hoa Kỳ đã ra sức chứng tỏ cam kết đối với an ninh của các đồng minh trong khu vực bằng cách phái oanh tạc cơ chiến lược từ Hoa Kỳ bay tới Nam Triều Tiên và điều động một số chiến hạm chống phi đạn tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.