Sự vươn lên của Huynh đệ Hồi Giáo tại Ai Cập đã gây ra những báo động về những cam kết của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo đối với hòa ước với Israel.
Tổng thống Mohamed Morsi hứa sẽ tôn trọng hòa ước, dù Huynh đệ Hồi Giáo từ lâu đã chống lại một quốc gia Israel. Ông Amr Darrag là một viên chức cao cấp của Đảng Tự do và Công lý, công cụ chính trị của Huynh đệ Hồi Giáo, cho biết:
“Chắc chắn hòa bình phải đặt căn bản trên công lý. Tuy nhiên Ai Cập hiện nay không ở trong vị thế tranh chấp với bất cứ ai. Là một lực lượng chính trị có tránh nhiệm, chúng tôi tôn trọng tất cả những cam kết của quốc gia với những nước khác dù rằng chúng tôi thích hay không thích vào thời điểm những cam kết này được đưa ra.”
Trong một dấu hiệu cho thấy hòa ước không được ưa thích như thế nào giữa những người Ai Cập, ngay cả những lời hứa đi nước đôi như thế này cũng bị chỉ trích, không chỉ từ những đối thủ theo trào lưu chính thống của ông Morsi, nhưng cũng từ những đối thủ cấp tiến, thế tục của ông nữa. Nhà hoạt động chính trị Wael Khalil nói:
“Một phần những chỉ trích về ông Morsi là ông đã tự chứng tỏ đối với nhiều người trong chúng tôi ông hơi quá giáo điều. Ý tôi là, đây là những người Huynh đệ Hồi Giáo. Tôi có thể nói vấn đề Palestine, vấn đề chiếm đóng là trọng tâm chính trị của họ.”
Ông Khalil nói vấn đề này là trọng tâm của những người Ai Cập tích cực hoạt động chính trị với nhiều khuynh hướng khác nhau.
“Đây là con đường tiến đến chính trị hóa của nhiều người chúng tôi. Tôi được chính trị hóa về vấn đề Palestine, về những cuộc biểu tình trên đường phố và việc chống lại cựu Tổng thống Mubarak, bắt đầu bằng tình đoàn kết với cuộc nổi dậy, cuộc nổi dậy lần thứ hai vào năm 2000 và 2002 của người Palestine.”
Ông Khalil thừa nhận rằng một số người Ai Cập thay đổi ý kiến về việc chống chủ nghĩa Xi-ôn và thành kiến đối với người Do Thái.
Trước khi nổi lên trên trường chính trị, ông Morsi đã thu băng những lời dèm pha chống Do Thái nhưng hiện nay ông nói rằng đây là những lời bình luận chỉ trích chủ nghĩa Xi-ôn.
Dù có một thời cộng đồng Do Thái phát triển mạnh tại Ai Cập, cả hai tình cảm này hiện dường như đã được ăn sâu vào xã hội Ai Cập.
Cựu nhân viên tình báo Sameh Saif al Yazal nói các chính trị gia biết rất rõ việc này.
“Đó là một con bài nhiều người chơi. Khi bạn tấn công Israel, bạn có được một tiếng tăm trên đường phố. Những người làm việc này tại Ai Cập cũng bởi điều này.”
Tuy nhiên ông al Yazal cho rằng thực tế thắng lời nói, ông nêu ra những cuộc tiếp xúc thường xuyên và chặt chẽ giữa người Israel và người Ai Cập trên lãnh vực kinh tế, quân sự và chính trị.
“Hãy quên những gì bạn thấy trên báo chí và những gì bạn nghe trên truyền hình. Thực tế là hai nước có những quan hệ bình thường giống như dưới thời Tổng thống Mubarak.”
Giống như những chỉ trích cấp tiến và bảo thủ của ông Morsi, ông al Yazal nói có ít thay đổi đối với Israel kể từ khi những nhà lãnh đạo Hồi Giáo lên cầm quyền cũng như sẽ không chắc chắn những thay đổi sẽ sớm xảy ra.