Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ sẽ tháo khoán ngân khoản 190 triệu đôla ngay tức thời trong kế hoạch hỗ trợ ngân sách 450 triệu. Ông cũng hứa cung cấp 60 triệu đôla cho một quỹ kinh doanh mới.
Ông Kerry đã gặp Tổng thống Mohamed Morsi hôm qua ở Cairo và nói rằng Hoa Kỳ đưa ra đề nghị giúp đỡ sau khi nhà lãnh đạo Ai Cập bảo đảm sẽ cải cách chính trị và cam kết sẽ nhận được một khoản tiền cho vay đã bị trì hoãn lâu nay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Các giới chức Hoa Kỳ cho biết hai nhân vật vừa kể cũng thảo luận về vụ xung đột ở Syria, về quan hệ với Iran, về sự hỗ trợ liên tục của Ai Cập dành cho hiệp định hòa bình với Israel và về các mối quan tâm khác trong khu vực.
Nhưng trọng điểm của chặng dừng này trong chuyến đi của ông Kerry tập trung vào các mối quan ngại trong nước của Ai Cập. Ðất nước này bị chia rẽ sâu xa về chính trị, trong khi nền kinh tế đang rơi vào tình trạng cực kỳ xấu. Cả hai cộng lại đã khiến khác du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh, mà đó lại là nguồn thu nhập chủ yếu, khiến cho dự trữ ngoại hối bị tụt xuống mức thấp một cách nguy hiểm.
Một số nhà kinh tế Ai Cập và nước ngoài cho rằng nếu không được bơm vào một lượng tiền mặt lớn, tỷ như khoản vay mượn 5,8 tỷ đôla của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thì Ai Cập có thể bị khánh tận trong vòng vài tháng nữa. Tuy nhiên, những khoản cho vay được gắn kết với các biện pháp kiệm ước, mà các chuyên gia phân tích tiên đoán sẽ dẫn tới việc xảy ra thêm các vụ bạo động. Các cuộc biểu tình tiếp diễn khắp nước trong thời gian 2 ngày viếng thăm của ông Kerry.
Hôm thứ bẩy, ông Kerry cho biết ông đến Ai Cập không phải để can thiệp, mà để lắng nghe. Tuy nhiên, không phải tất cả moị nguời đều coi Hoa Kỳ là một phía đóng vai trò trung lập. Ông Kerry đã nói chuyện với nhiều đối thủ chính trị của Tổng thống Morsi, nhưng một số người, kể cả ông Hamden Sabahi, đã từ chối không họp với ông Kerry.
Cựu tướng Ai Cập đã về hưu và chuyên gia về an ninh Sameh Seif al Yzal giải thích quan điểm của một số người Ai Cập:
Tướng al Yazal nói ở Ai Cập có cảm nghĩ cho rằng chính quyền Hoa Kỳ đang hỗ trợ rất nhiều cho tổ chức Huynh Ðệ Hồi giáo và đó là cái cảm nghĩ không phải của người dân bình thường mà cả giới trí thức và các chính trị gia cũng như chuyên gia.
Tướng al Yazal lập luận rằng luồng tư tưởng đó biến một số người ủng hộ ông Morsi chống lại Hoa Kỳ vào lúc nền kinh tế đi xuống.
Theo tướng al Yazal, dân chúng nghèo khó ngoài đường lúc đó tin rằng nên bỏ phiếu cho tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bởi vì người Mỹ thích tổ chức này. Nếu họ lên nắm quyền thì có nghĩa là nền kinh tế sẽ khá hơn và người Mỹ sẽ ủng hộ và đời sống sẽ khá hơn.
Chưa rõ ngay được tác động, nếu có, của khoản tiền vừa được cam kết trong ngày hôm qua.