Iran: Thương mại gặp khó khăn vì các ngân hàng bị chế tài

PostTue Apr 03, 2012 7:08 pm

VOA - Economy

Ông Michael Tockuss, giám đốc Phòng Thương Mại Đức-Iran tại Hamburg, nói với VOA rằng trước hành động của EU, hàng trăm công ty xuất khẩu Đức đã cung ứng hàng hóa trị giá tới 4.7 tỉ cho người Iran mà nay những người này không thể sử dụng các ngân hàng của họ để thanh toán.

Những nhận định của ông Tockuss phản ánh lập luận của phương tây, cho rằng phần lớn các bước chế tài của Mỹ và châu Âu, liên quan đến chương trình hạt nhân đầy tranh cãi của Iran, đang gây hệ quả làm tê liệt nền kinh tế nước này.

Tổ chức SWIFT trụ sở tại Bỉ đã tách rời 30 ngân hàng Iran ra khỏi hệ thống của họ vào ngày 17 tháng 3, theo lệnh của các nước EU, muốn trừng phạt những ngân hàng đó vì có liên can đến chương trình hạt nhân của Iran. Hoa Kỳ cũng áp đặt chế tài với 23 ngân hàng Iran khác.

SWIFT là cơ sở chính yếu cho các hoạt động tài chánh xuyên biên giới. Không tiếp cận được tổ chức này, những ngân hàng bị EU chế tài không thể chuyển tiền bằng phương tiện điện tử ra nước ngoài cho khách hàng hoặc cho chính họ.

DỊCH VỤ CHUYỂN TIỀN BỊ CẮT

Việc cắt dịch vụ chuyển tiền của SWIFT không chỉ ngăn chặn những thỏa thuận hiện có giữa các công ty Iran và châu Âu, mà còn ngăn chặn họ ký thêm bất kỳ thỏa thuận nào để chuyển tiền qua 30 ngân hàng Iran.

Có nhiều cơ hội hiện hữu cho các doanh nghiệp Iran và đối tác buôn bán nhằm tiếp tục các vụ giao dịch hợp pháp.

Ông Tockuss cho biết Iran có 5 hoặc 6 ngân hàng không bị EU chế tài. Những ngân hàng này vẫn kết nối với hệ thống SWIFT và các công ty châu Âu có thể sử dụng để xuất khẩu sang các thị trường Iran.

Nhưng dùng phương pháp này không dễ dàng gì, bởi vì nhiều ngân hàng châu Âu từ chối nhận tiền từ các ngân hàng cho vay Iran, cho dù các cơ sở tài chính đó không bị trừng phạt. Ông Tockuss nói:

“Điều này không liên quan trực tiếp tới các biện pháp chế tài. Đó là quyết định của chính công ty muốn ngưng giao dịch với Iran.”

Nhiều ngân hàng châu Âu cũng không có quan hệ vững chắc với những ngân hàng Iran không bị trừng phạt, thường đó là những ngân hàng tư, tương đối còn mới mẻ và chỉ chiếm một thị phần nhỏ.

Ông Karim Pakravan, giáo sư tài chánh tại trường đại học DePaul ở Chicago, nói với VOA rằng bất kỳ một ngân hàng nước ngoài nào mở tài khoản với những ngân hàng cho vay nhỏ của Iran, đều phải hạn chế  tín dụng và buộc họ phải trả một phí khoản dịch vụ. Ông nói:

“Gần như cách duy nhất mà các ngân hàng Iran có thể thực hiện các giao dịch với nước ngoài là cho phép người Iran mua tiền mặt, bỏ vô một cái hộp, đáp máy bay đến bất kỳ nơi nào họ cần đến, và chìa tiền mặt ra mà chi trả.”

GIAO DỊCH BẰNG TIỀN MẶT GIA TĂNG

Ông Tockuss thuộc Phòng Thương mại Đức-Iran nói, việc giao dịch bằng tiền mặt giữa các doanh nghiệp Iran và châu Âu quả thực gia tăng. Nhưng ông cho biết trong phần lớn các vụ việc, số tiền thanh toán không vượt quá 60.000 đôla.

“Hiện nay, tôi chưa thấy người Iran nào đi đến các nước mà đem theo nửa triệu euro. Nhưng người ta đem những khoản nhỏ hơn để thanh toán cho những dồ phụ tùng hay những mặt hàng tương tự, là điều khá thông dụng.”

Một đường lối hợp pháp khác cho Iran giao dịch tài chánh với phương tây là nhập khẩu những loại hàng hóa và dịch vụ không bị tây phương chế tài.

Những mặt hàng mà chính quyền Tổng thống Obama không chế tài là thực phẩm, thuốc men và thiết bị truyền tin, nhằm giúp dân Iran tiếp cận Internet dễ hơn.

Cho dù có những trường hợp ngoại lệ như vậy, nhưng ông Tockuss nói việc Mỹ và châu Âu thắt chặt trừng phạt với Iran còn gây thiệt hại cho một giới khác nữa, đó là người dân trung bình ngoài đường phố.

Ông Tockuss cho biết một công ty y khoa Đức chuyên xuất khẩu những thiết bị mà hàng ngàn bệnh nhân tại Tehran cần lọc máu, mới đây đã gặp khó khăn khi cần tìm một ngân hàng điều hành việc thanh toán của Iran. Ông cho biết vấn đề rồi ra có thể được giải quyết.

TÁC ĐỘNG SÂU RỘNG


Ông Pakravan thuộc trường đại học DePaul cho biết các biện pháp chế tài của phương tây trong lãnh vực ngân hàng còn có những tác động kinh tế khác nữa. Ông nói:

“Các cơ xưởng không tìm ra nguyên liệu sống và đồ phụ tùng, và họ phải ngưng hoạt động. Thị trường Iran còn bị xâm chiếm bởi hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn nhiều, và những hàng hoá đó sẽ tiếp tục hủy hoại ngành công nghệ của Iran.”

Ông Ali Akbar Salehi, Ngoại trưởng Iran nói đã giảm nhẹ tác động của chế tài. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn nhà nước IRNA được công bố hôm thứ Hai, ông gọi đó là những “vấn đề nhỏ” và nói “Iran đủ sức chống lại những áp lực”.

Phần lớn thu nhập của chính phủ Iran là nhờ dầu và đã ký nhiều thỏa thuận trao đổi với nhiều khách hàng lớn như Ấn Độ, và tránh nhu cầu phải dùng tới dịch vụ viễn thông tài chánh SWIFT.

Ông Edward Bell, biên tập viên tờ Economist, đơn vị đặc trách theo dõi khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đã nói qua điện thoại từ London, rằng việc khai trừ các ngân hàng Iran khỏi SWIFT, “thật sự không tác động bao nhiêu đến khu vực dầu hỏa của Iran.”

Nhưng chính quyền Iran có thể sẽ thấy tài sản của họ suy giảm nếu các nhà làm luật Mỹ có thể thông qua một dự luật đe dọa trừng phạt SWIFT nếu họ không khai trừ toàn bộ các ngân hàng Iran. Ông Bell nói:

“Một khi điều này xảy ra, thì bất kỳ ai muốn trao đổi mậu dịch với Iran cũng đối mặt với khó khăn thực sự.”

Ông Bell cho biết các biện pháp chế tài của EU với Iran có phần chắc sẽ còn thắt chặt hơn nữa:

“Theo tôi, quí vị sẽ thấy một chính sách của EU về Iran được điều hợp tốt hơn và đồng bộ hơn, cũng như cứng rắn hơn, giống như đường lối của Hoa Kỳ.”
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 827 guests

cron