Kinh tế Việt Nam – một năm nhìn lại

PostWed Jan 04, 2012 1:51 pm

VOA - Economy

Năm 2011 là một năm bão tố trên lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Năm 2011 cũng là năm Việt Nam đứng trước ngã ba đường – quyết liệt đổi mới mạnh mẽ để khởi đầu một giai đoạn phát triển mới hoặc chìm sâu vào khủng hoảng và bẫy cân bằng thấp.
Để đánh giá cho đúng các diễn biến  đã xảy ra trong năm qua thì không thể nhìn nhận năm 2011 như là một giai đoạn tách rời mà phải đặt nó trong chuỗi lịch sử ít nhất từ khoảng 5 năm trở lại đây. Lý do là các diễn biến trong suốt quá trình lịch sử này đã kết đọng lại các hậu quả trong hệ thống kinh tế để cuối cùng bộc lộ ra vào năm 2011.
Cơn bão lạm phát và thách thức đối với người nghèo
Diễn biến được quan tâm nhiều nhất trong năm qua là tình trạng mất giá của tiền Đồng. Tính đến hết tháng 12, tốc độ tăng trưởng CPI của Việt Nam trong cả năm 2011 là 18,12%, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu ban đầu của Quốc Hội và Chính phủ đề ra hồi đầu năm này (7%). Nhìn lại trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự mất giá của tiền Đồng năm 2011 chỉ thua năm 2008 chút ít và cao hơn đáng kể so với tất cả các năm còn lại.
So với 5 năm trước, tiền Đồng mất giá gần một nửa. CPI của năm 2011 bằng 1,96 lần năm 2006, tức là 100 Đồng của năm 2011 chỉ bằng 50,1 đồng của năm 2006. So với 10 năm trước, giá trị tiền Đồng chỉ còn bằng hơn một phần ba. CPI của năm 2011 bằng 2, 58 lần so vơi CPI của năm 2011, tức là 100 Đồng của năm 2011 chỉ bằng 38,6 Đồng của năm 2001.

Lý do cơ bản nhất để lạm phát bộc lộ mạnh vào những năm gần đây là quá trình phát triển kinh tế dựa vào đầu tư và tình trạng kém hiệu quả trong việc sử dụng vốn trong suốt cả thập kỷ qua. Hiện tượng này phổ biến cả trong khu vực doanh nghiệp nhà nươc (DNNN) và khối doanh nghiệp tư nhân/ nước ngoài (DNTN). Việc phát triển dựa trên đầu tư khiến lượng cung tiền trong nền kinh tế liên tục tăng với tốc độ chóng mặt. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) , trong suốt giai đoạn 2006 tới 2010, lượng cung tiền M2 của Việt Nam liên tục tăng ít nhất 20% mỗi năm, cá biệt có năm tăng tới 46% (2007).  Lượng cung tiền M2 của năm 2010 là 2789,2 nghìn tỷ Đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2006 và gấp xấp xỉ 10 lần so với năm 2001.
Việc tăng cung tiền với gia tốc lớn như vậy trong khi thực lực của nền kinh tế không mạnh. Hiệu quả sử dụng vốn thấp khiến lượng hàng hóa sản xuất ra không tăng cùng nhịp với tăng cung tiền. Từ đó tất yếu dẫn tới giá cả leo thang – hay nói cách khác là tiền Đồng mất giá. Cao điểm của lạm phát là vào năm 2008 do tốc độ tăng cung tiền quá lớn vào năm 2007. Tiếp sau đó, năm 2009 lạm phát hạ nhiệt xuống dưới một con số vì chính sách thắt chặt trong năm 2008. Tuy nhiên với việc chính phủ nới lỏng cung tiền trở lại vào năm 2009 và 2010, tiền Đồng lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy mất giá trong năm 2010 và 2011.
Lạm phát cao đẩy cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình hoặc dưới trung bình, vào vòng soáy nguy hiểm của suy thoái sức mua. Đó là vấn đề lớn nhất về kinh tế của năm 2011.
Doanh nghiệp và ngân hàng vượt cạn
Tất cả hệ thống doanh nghiệp, kể cả trong và ngoài Chính phủ Việt Nam, đều liên tục tăng quy mô và lĩnh vực hoạt động dựa trên việc đi vay. Tài sản thế chấp hấp dẫn đối với hệ thống ngân hàng thường là bất động sản, và trong một giai đoạn nhất định, bao gồm cả cổ phiếu. Việc giá đất tăng lên trung bình từ 10 tới 30 lần (tùy địa bàn)  trong vòng 10 năm trở lại đây khiến câu chuyện vay nợ dựa vào thế chấp bất động sản trở nên đặc biệt dễ dàng.
Tình trạng dùng đòn bẩy tài chính quá mức (overleveraged) trở nên phổ biến ở hầu như khắp nơi. Theo tính toán của IMF, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam trong giai đoạn 2009-2010 là xấp xỉ 100%, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc và Indonesia (dưới 90%), Thái Lan và Malaysia (dưới 80%), hoặc Singapore (xấp xỉ 70%). Tình trạng vay mượn của doanh nghiệp cũng được phản ánh ở mức tăng trưởng tín dụng nội địa (là các khoản cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam). Tỷ lệ này  tăng liên tục ít nhất 22% trong 5 năm từ 2006 tới 2010, có năm lên tới xấp xỉ 50% (2007). Tính theo GDP, tỷ lệ tín dụng nội địa của Việt Nam năm 2010 đã lên tới 131.5%.
Việc vay mượn nhiều đẩy doanh nghiệp vào hai hố đen: Thứ nhất là công suất dư thừa do đầu tư mở rộng quy mô vô tội vạ và kinh tế toàn cầu suy xụp khiến thị trường đầu ra không tốt như dự đoán. Thứ hai là gánh nặng lãi suất quá lớn. Kết hợp hai yếu tố này lại dẫn tới một thực tế là doanh nghiệp không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn, tạo ra nhu cầu đảo nợ (refinancing) và vốn hóa lãi vay. Chỉ riêng việc vốn hóa lãi vay cũng đã tạo ra nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Vì thế trong năm 2011 vừa rồi, mặc dù hầu các ngân hàng không cho vay các khoản vay mới nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn lên tới 15%.
Tình trạng lạm phát cao trong năm 2011 và các khoản nợ đến hạn không trả được (nợ xấu hay nợ dưới chuẩn) ngày càng lớn khiến cho các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Điều này lại bị làm trầm trọng hơn do bản thân hệ thống ngân hàng ở Việt Nam cũng đang ở trong tình trạng quá yếu kém. Hệ thống ngân hàng trải qua một giai đoạn mở rộng quá nhanh đã rơi vào tình trạng không có đủ nguồn nhân lực có chất lượng để vận hành. Thêm vào đó, các vấn đề về rủi ro đạo đức của cán bộ tín dụng và của các ông chủ khiến việc kiểm soát chất lượng tín dụng bị xem nhẹ.
Các ngân hàng nhỏ, vốn chịu nhiều rủi ro hơn các ngân hàng lớn do không thể đa dạng hóa các khoản vay tốt như ngân hàng lớn, trở thành các nạn nhân đầu tiên. Khi cơn bão nợ dưới chuẩn ập tới, họ trở nên mất thanh khoản và buộc phải lao vào cuộc cạnh tranh lãi suất để thu hút nguồn tiền gửi.
Do thực  tế ở Việt Nam chưa có câu chuyện phá sản ngân hàng và người gửi mất tiền, cộng thêm cam kết của chính phủ khẳng định lại việc này khiến cho người gửi tiền yên tâm tham gia cuộc chạy đua lãi suất trong đó ngân hàng nào chào lãi suất cao hơn sẽ thắng. Kêt cuộc là các ngân hàng lớn không thể không tham gia vào cuộc đua và đẩy mặt bằng lãi suất trên toàn thị trường lên mức cao gần như không tưởng. Trước khi Ngân hàng Chính phủ Việt Nam áp dụng triệt để mức trần lãi suất huy động 14%, đã có những thời kỳ lãi suất huy động lên tới trên 20% trong khi lãi suất cho vay trung bình giao động trong mức 25% tới 30%.
Đến lượt nó, câu chuyện chạy đua lãi suất lại có tác dụng ngược lại với doanh nghiệp, đẩy họ vào khó khăn hơn, và làm cho khả năng trả nợ kém đi khiến cho tình trạng mất thanh khoản trong ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ, thêm trầm trọng. Đây là vòng xoáy đi xuống nguy hiểm nếu không có giải pháp dứt khoát của Chính phủ Việt Nam. Đây là vấn đề lớn thứ 2 của kinh tế năm 2011.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Kinh Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 821 guests

cron