Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực đã gần tròn 15 ngày, tính đến chiều tối hôm 28/8, em trai của ông là Trần Huỳnh Duy Tân cho VOA hay.
Ông Tân nói ông biết thông tin này do nhận được cuộc gọi điện của ông Thức từ trại giam vào cuối buổi chiều 27/8, trong đó ông Thức nói vẫn đang tuyệt thực.
Hồi tuần trước, ông Tân nói với VOA và một số cơ quan báo chí rằng anh trai mình tuyên bố tuyệt thực mười ngày từ 14 đến 23/8 để phản đối việc trại giam ra quy định mới hạn chế về thư tín đối với ông cũng, như phản đối sức ép từ nhà chức trách buộc ông phải nhận tội.
Hiện ông Thức đang bị giam ở Trại 6 đặt ở tỉnh Nghệ An. Tù nhân lương tâm này đang thi hành án 16 năm tù giam về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tính từ khi bị bắt, đến nay ông Thức đã bị giam hơn 9 năm.
Sau cuộc thăm ông Thức hôm 18/8 tại trại giam, ông Tân cho VOA biết từ sau tháng 6, trại giam đã gây nhiều khó khăn cho ông Thức “trong mọi vấn đề”, nhất là việc gửi thư tín ra ngoài.
Tới ngày hôm qua là 14 ngày và hôm nay là ngày thứ 15, như vậy, chắc chắn một điều là trong trại giam họ vẫn còn gây khó khăn cho anh Thức và không đáp ứng yêu cầu của anh Thức.
Theo quy định mới, một tháng ông Thức chỉ được gửi ra 2 lá thư, mỗi lá thư chỉ được gửi đến 1 người, ít hơn nhiều so với trước. Bên cạnh đó, ông cũng không được gửi người thân, bạn bè các tác phẩm nhạc, thơ, văn của ông như trước nữa.
Ông Tân nói thêm rằng lý do lớn hơn của việc anh trai mình tuyệt thực là ông Thức “yêu cầu nhà nước thượng tôn pháp luật, yêu cầu trả tự do và miễn hoàn toàn án còn lại cho tất cả những người phạm tội ‘chuẩn bị hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể là Khoản 3 Điều 109”.
Vẫn theo lời ông Tân, ông Thức nhấn mạnh rằng đến hết ngày 23/8, nếu nhà tù còn gây khó khăn, ông “sẽ tiếp tục tuyệt thực”.
Chiều tối hôm 28/8, ông Tân cập nhật thông tin với VOA:
“Tới ngày hôm qua là 14 ngày và hôm nay là ngày thứ 15, như vậy, chắc chắn một điều là trong trại giam họ vẫn còn gây khó khăn cho anh Thức và không đáp ứng yêu cầu của anh Thức. Do vậy, anh Thức vẫn còn đang tuyệt thực”.
Trong cuộc thăm tù cách đây 10 ngày, ông Tân quan sát thấy anh trai mình yếu ớt khác thường, đi lại chậm chạp, khó khăn, dù lúc đó mới là ngày thứ tư ông Thức tuyệt thực.
Gia đình cũng đang rất là sốt ruột. Gia đình cũng sẽ sớm lên trại giam và yêu cầu trại giam để họ cung cấp thông tin về anh Thức, và cũng sẽ yêu cầu họ đáp ứng yêu cầu của anh Thức, không gây khó khăn như vậy nữa.
Ở thời điểm đó, ông Tân nói với báo chí rằng ông nhận thấy anh trai mình đang bị nhà chức trách ép buộc phải nhận tội mới có thể được xét đặc xá. Nhưng tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức cương quyết không nhận tội.
Việc ông Thức theo đuổi hình thức phản đối mang tính quyết liệt, một mất một còn, đang làm gia đình ông lo lắng. Em trai ông Thức nói:
“Gia đình cũng đang rất là sốt ruột. Gia đình cũng sẽ sớm lên trại giam và yêu cầu trại giam để họ cung cấp thông tin về anh Thức, và cũng sẽ yêu cầu họ đáp ứng yêu cầu của anh Thức, không gây khó khăn như vậy nữa. Gia đình dự kiến trong tháng này sẽ đi ra thăm anh Thức”.
Hồi cuối tháng 4, gia đình ông Thức đã làm việc cùng luật sư Ngô Ngọc Trai để gửi đơn đến Chủ tịch nước Việt Nam, thủ tướng và một số nhà chức trách liên quan, đề nghị họ xem xét việc đặc xá cho tù nhân lương tâm này chiểu theo các điều khoản của luật hình sự mới.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 5, luật sư Trai cho VOA biết nỗ lực xin đặc xá cho ông Thức dựa trên cơ sở là có thay đổi về luật pháp được xem là “có lợi” cho ông.
Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày đầu năm 2018, có điểm thay đổi trong điều luật về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Một khoản bổ sung của điều luật nói về “chuẩn bị phạm tội” với mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Theo luật sư Trai, nếu căn cứ vào luật mới, toàn bộ hành vi của ông Thức chỉ có thể bị quy là “chuẩn bị phạm tội” và Nhóm nghiên cứu Chấn do ông Thức lập ra “không hẳn là một tổ chức chính trị để lật đổ chính quyền”.
Từ những lập luận này, vị luật sư nói với VOA rằng bản án nặng hồi năm 2010 dành cho ông “rất cần được xem xét lại”.
Tuy nhiên, cho đến ngày 6/8, theo các văn bản phúc đáp từ Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam gửi đến luật sư Ngô Ngọc Trai và được ông công bố qua Facebook cá nhân, các cơ quan này nói hiện nay nhà nước “chưa có chủ trương đặc xá” năm 2018 nên “không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức”.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA hôm 28/8, ông Trần Huỳnh Duy Tân một lần nữa đề nghị chính quyền Việt Nam cần thực hiện điều luật phù hợp trong Bộ luật Hình sự mới để trả tự do cho ông Thức ngay lập tức.